Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

TRỊNH DIỄM: NHẤT ĐỊNH VẺ MẶT LÚC ĐÓ CỦA CHA RẤT TÀN NHẪN RẤT BIẾN THÁI.

“Uỳnh uỳnh uỳnh —“ Trịnh Diễm người mặc giáp, tay cầm đao, đập vang rầm rầm vào người gỗ.

Đại khái là nhờ sự khuyến khích của Vương thị, gần đây Trịnh Diễm rất cố gắng dồn sức trong giờ thể dục. Công cuộc giáo dục ở thời này, đúng là rất có tính chất giáo dục, thầy Cố của nàng cũng không phải thư sinh mặt trắng trói gà không chặt, ngược lại là khác, khả năng võ nghệ của ông không tệ, lúc Cố lão cha bắt về thành thân phải mang một trung đội ba mươi người mới có thể trói lại đưa về cơ mà. Có một người thầy như vậy, bé con Trịnh Diễm nhỏ người nhưng rất khỏe mạnh, võ vẽ cũng coi như ngon lành so với đám cùng lứa. PS chút xíu, các tiểu cô nương của thời này, nếu so ra, sức chiến đấu cũng chẳng yếu hơn tụi con trai đâu, trạch nam gặp phải các cô sẽ bị hành xác mất. Cụ tỉ như Vu Minh Lãng chẳng hạn.

Có điều… thầy Cố lắc đầu than thở: “Sao lại chọn đao thế hử?”

Nghe bảo, quân tử thích kiếm. Bởi kiếm dài có vẻ chính khí, thân nhỏ, mảnh lại thẳng, hơn nữa mang theo trông rất ra dáng, chưa kể khi múa kiếm cũng có tính thẩm mỹ, rất được giới thượng lưu ưa chuộng.

Thuở đầu cô học trò Trịnh Diễm học võ, nghe thấy chữ ‘kiếm’ không được xuôi tai cho lắm. Kiếm với chả tiện (*). Kiếm khách con khỉ gió. Mà yêu cầu thao tác kĩ xảo dành cho kiếm lại cao, Trịnh Diễm chẳng có ý làm cao thủ võ lâm, chọn tới tuyển lui, Trịnh Diễm là người mang chủ nghĩa thực dụng, vớ vũ khí nào trong tay thì ước chừng một hồi, cuối cùng cảm thấy dùng đao chém người thích quá chừng, thế là dùng đao.

(*) Kiếm và tiện trong tiếng Trung là từ đồng âm.

Trịnh Diễm kết thúc hoạt động của ngày hôm nay, quay phần không có lưỡi ra, giao đao cho thì tì cầm, đứng yên để A Khánh cởi áo giáp cho, nghe thầy giáo oán trách, trả lời tỉnh rụi: “Tại thuận tay ạ!”

Vũ khí tiện tay nhất của Trịnh tiểu cô nương trắng trẻo non nớt là một cây đao lớn!

Cố Ích Thuần làu bàu: “Cha thế nào, con gái thế đó.” Đúng là phá cmn hình tượng hết cả rồi?

Trịnh Diễm thính tai: “Cha con cũng thích dùng đao ạ? Con thấy trong thư phòng của cha rõ ràng treo kiếm trên tường mà. Nghe bảo là đồ cổ của triều trước, nhưng không thấy cha dùng, còn tưởng treo làm màu thế thôi. Thì ra là thích dùng đao ạ? Cơ mà cũng chả thấy đao đâu. Kì thật?” Thư phòng của cha bị nàng chơi đùa phá tanh bành mà vẫn chưa phát hiện ra món vũ khí tương tự nào cả. Thật ra hộ vệ của nhà nàng cũng có mang đao, nhưng trong các nghi lễ trang trọng, cha nàng và các triều thần lại mang kiếm, mặc bộ lễ phục chính thức, cũng đâu dùng cây kiếm treo trên tường kia.

Cố Ích Thuần tằng hắng một cái, mặt mang ý cười, Trịnh Diễm dán sát tới: “Nói đi nói cho con đi, cha con biết dùng đao à? Là cao thủ ạ?” Lắc lắc tay của Cố Ích Thuần. Lắc xong, quay đầu trừng đám cháu trai vẫn còn đang tập luyện: “Không được lười biếng!”

Cố Ích Thuần không chống đỡ nổi khi nàng nhõng nhẽo thế: “Đừng lắc, đừng lắc nữa, lắc đến nhức cả đầu. Chậc, cha con không dùng đao.”

“Hả? Vậy dùng gì thế ạ?” Cha nàng thoạt nhìn có vẻ rất tiên phong đạo cốt, thuần khiết không tì vết, ôn hòa dễ gần, bình thường cũng hay tập thể dục, nhưng quả thật chưa thấy ông chém cha con gã nào bao giờ, Trịnh Diễm tò mò lắm.

Vẻ mặt Cố Ích Thuần rất kiêu mà nói: “Lang nha bổng!”

Đệch mệ!

Vũ khí tiện tay nhất của Trịnh Tĩnh Nghiệp là một cây chùy lớn, đặc chế, giống gậy bóng chày, phần trên có gắn đinh, cực kì hung tàn, siêu sát khí.

Trịnh Diễm nuốt nước miếng: “Hay nhỉ!” Chắc chắn cha nàng không yếu tẹo nào, còn phải nói, con nhà nông, lao động từ bé, sức khỏe tốt, “Tiếc là sức con yếu.”

Đến phiên Cố Ích Thuần nuốt nước miếng, nếu con cầm được, cũng định dùng lang nha bổng thật hả? Con đâu cần dùng thứ giống cha mình đâu? Căn cứ vào lý do ‘Em gái muốn hung hãn, thì ngay lập tức sẽ cực kì hung hãn. Mà sẽ hung hãn lên đầu cậu học trò đắc ý Trì Tu Chi của ông, Trì học trò cũng là một nam sinh cần thầy giáo quan tâm’, Cố Ích Thuần cố gắng khuyên bảo để Trịnh Diễm dẹp vọng tưởng với lang nha bổng: “Hồi đó cha con ở trong hoàn cảnh khó khăn, bất đắc dĩ mới dùng loại hung khí như thế, như con bây giờ chỉ cần rèn luyện sức khỏe thôi là được rồi.”

“Hoàn cảnh khó khăn?” Tính nhiều chuyện của Trịnh Diễm nổi lên.

Cố Ích Thuần đành giải thích: “Lúc đó cha con ra làm quan chưa được bao lâu, khụ khụ, bị người khác đố kị coi là kẻ tầm thường (xuất thân của Trịnh mỗ thấp kém), sau này lên làm Huyện trưởng, nhưng lại bị phân tới nơi trật tự trị an kém. Để diệt cướp, giải quyết ẩu đả thì phải động tay chân, dù đã khuyên bảo. Khụ khụ, thế là cha con đành bắt bọn chúng trước rồi mới từ từ cho tự kiểm điểm hối lỗi.”

Trịnh Diễm: “…” Dùng lang nha bổng bắt người, chỉ có nước đến điện Diêm vương tự kiểm điểm thì có?

“Con sao thế?” Bị dọa rồi à? Chớ đừng.

Trịnh Diễm vuốt mặt: “Không, con chỉ cảm thấy cha rất tốt với đại ca, hồi trước, cha sai người dùng gia pháp mà đánh, không tự mình khuyên để đại ca tự kiểm điểm.”

Cố Ích Thuần: “T_T…” Cha con hai người cũng chẳng phải người tốt.

Thầy Cố rớt nước mắt bỏ chạy, thị tì A Trân từ chỗ Trưởng công chúa Khánh Lâm đến báo cáo: “Công chúa không được khỏe, đã cho mời ngự y đến khám.”

Thầy Cố lau hai dòng nước mắt chảy ròng ròng, cùng Trịnh học trò người đầy mồ hôi chạy đi thăm Trưởng công chúa Khánh Lâm. Ngự y xác định hướng nhà của Trưởng công chúa Khánh Lâm, nhanh chóng có mặt. Xem mạch xong, chẳng bao lâu, nói: “Xin Công chúa đổi tay khác.” Lại vội vàng bắt mạch, sau đó mặt mày hớn hở đứng dậy chắp tay: “Chúc mừng Công chúa, chúc mừng Phò mã.”

Lại có tin vui!

Trịnh Diễm cũng chúc mừng, thấy Trưởng công chúa Khánh Lâm bảo người thưởng phong bao tạ ơn cho ngự y, liền nói: “Con cũng về nhà báo tin vui đây.”

“Con cũng về nhà báo tin vui. Con cũng về nhà báo tin vui. Con cũng về nhà báo tin vui đây.”

Mọi người nghe giọng này là biết Cố Ninh, cậu nhóc này thích nhại lại, đã vậy vừa nói vừa vỗ tay. Trịnh Diễm cúi người nhéo bản mặt trắng bóc của bé con: “Cả nhà đều biết cả rồi, A Ninh sắp làm anh, có thích không? Sau này cũng có thể chọt má người khác đó.”

Trưởng công chúa Khánh Lâm sẵng giọng: “Con lại dạy hư thằng bé.” Cố Ninh cũng nói theo: “Con lại dạy hư thằng bé,” lắc đầu, ra vẻ bùi ngùi cảm khái, “Con lại dạy hư thằng bé rồi.”

Trịnh Diễm 囧, bạn có thể tưởng tượng một hạt đậu ba mẩu bày ra vẻ tao nhã, khuôn mặt bất đắc dĩ dùng giọng điệu dung túng như Trưởng công chúa Khánh Lâm nổi không?

Cố Ích Thuần không làm mặt thảm nữa (ý chỉ emo chảy nước mắt thế này T_T), xách con lên: “Cái tính này của con, đúng là dễ thành thầy giỏi, dạy không biết mệt.” Lần nào cũng làm máy phát thanh, rất kiên nhẫn. Cố Ninh vùi đầu vào ngực cha không lên tiếng, nghịch râu cha mình.

Trịnh Diễm nói thầm trong bụng, xin đừng, khi Đường Tăng gặp phải tên học trò Chí Tôn Bảo, là lúc sắp bị làm thịt đó (*), đang định chào để về thì bỗng có người truyền tin tức của nhà công chúa đi vào: “Phủ Trịnh tướng công sai người tới.”

(*) Tân Tây Du Ký hay Đại thoại Tây Du là phim hài, dựa theo tích Tôn Ngộ Không từng theo Đường Tăng đi thỉnh kinh để làm khởi nguồn cho nội dung chính về nhân vật Chí Tôn Bảo – kiếp sau của Tôn Ngộ Không, do Châu Tinh Trì đóng.

Trưởng công chúa Khánh Lâm kinh ngạc: “Sao khéo vậy? Có bảo chuyện gì không?”

“Hôm nay Tứ nương của nhà Trịnh tướng lâm bồn, sau khi Hình Quốc phu nhân được báo tin đã rời đi, cho người tới báo với Trịnh tiểu nương tử và các tiểu lang quân. Xin nhờ Công chúa, Phò mã chăm sóc hộ tiểu nương tử, tiểu lang quân.” Bây giờ tình hình thế nào chẳng rõ, đừng có làm phiền, về nhà không có cơm đâu, ngoan ngoãn ở nhà thầy chờ ăn chực đi.

“Á, con bỏ tụi nó ở giáo trường mất rồi.” Lúc này Trịnh Diễm mới nhớ mình đã lạm dụng uy quyền khi huấn luyện đám cháu.

***

Lần này Trịnh Du sinh con theo đúng thứ tự hơn so với kì trước, sáng đau bụng, trước bữa trưa thì sinh. Buổi chiều Trịnh Diễm nhận được thông báo rồi đưa các cháu về nhà, Đỗ thị có vẻ rất vui: “Sáng mai theo mẹ đi thăm chị.”

Trịnh Diễm kể: “Cũng phải qua bên sư mẫu nữa, hôm nay bên đó vừa gọi ngự y đấy.”

Đỗ thị lo lắng hỏi: “Sao vậy?”

“A Ninh sắp làm anh rồi.”

Đỗ thị chắp hai tay vào nhau: “Vậy thì tốt quá, vợ chồng bọn họ đều khổ tẫn cam lai (đã qua kì cực khổ, rồi sẽ được hạnh phúc), cuộc sống sẽ ngày càng thoải mái.” Triệu thị cười bảo: “Đây là kết quả của thiện duyên.” Miệng Quách thị rất ngọt: “Cuộc sống của nhà chúng ta cũng ngày càng dễ chịu, cha mẹ phúc trạch lâu dài.”

Đỗ thị rất vui, nhìn bụng Quách thị: “Mọi người đều vui, đều vui cả.”

Vì thế liền vội vàng chuẩn bị lễ vật cho cả hai nơi, dự định theo thứ tự. Triệu thị, Quách thị, Trịnh Diễm qua chỗ Trịnh Du trước, còn Đỗ thị muốn đi thăm Trưởng công chúa Khánh Lâm đầu tiên. Đỗ thị thấy bụng Quách thị không nhỏ nữa, quan tâm bảo: “Trời nóng, con cũng không cần đi xa quá đâu?” Thế là Đỗ thị qua chỗ con gái, Quách thị và Trịnh Diễm cùng đi thăm dì.

Quách thị nghĩ thầm trong bụng, nếu đến cả hai nơi thì có thể được hưởng lây chút không khí vui vẻ, liền nói: “Nhà mình chỉ cách có bức tường với nhà Thành Quốc công, mấy con phố thôi mà, con cũng đâu yểu điệu như vậy. Trưởng công chúa là dì, không thể thiếu lễ nghi. Mẹ thương con, nhưng con không thể người ngoài bảo mình thất lễ, khiến Trịnh gia bị mất mặt.”

Đỗ thị cười bảo: “Vậy thì con hãy cẩn thận một chút.”

Ngày hôm sau, Trịnh Diễm và các chị dâu đi thăm chị trước, Trịnh Du vẫn còn vẻ mệt mỏi của sản phụ, nhưng rất vui vẻ: “Mọi người tới rồi à? Mau ngồi đi. Đã gặp Thái phu nhân chưa?”

Triệu thị đáp: “Gặp rồi. Thái phu nhân, phu nhân đều rất vui.” Ừm, cả hai đều rất vui sướng, còn nói thẳng ‘Trịnh thị nhiều con’, dấu hiệu tốt.

Trịnh Du bảo: “Có chị dâu, tỷ không sợ bọn muội thất lễ.”

Trịnh Diễm nhíu mày nhăn mũi: “Em cũng ngoan lắm mà, thế A Lam đâu ạ?”

Nhắc tới cậu con cả, Trịnh Du cười nói: “Chỗ của tỷ lộn xộn, không chăm sóc tốt cho nó được, bảo vú nuôi đưa ra sau rồi.”

Ba người cô vây đến nhìn cậu con thứ của Trịnh Du, bé con vẫn chưa duỗi người, ngủ rất say. Trịnh Diễm làm mặt quỷ với bé cưng, quay đầu nói với Trịnh Du: “Hôm qua bên sư mẫu cũng có tin vui, sáng sớm mẹ đã qua đó. Lát nữa sẽ qua thăm tỷ, tụi muội cũng phải qua chỗ sư mẫu đây.”

Trịnh Du nói: “Ghế chỗ tỷ cắn muội à? Ngồi thêm một chốc thì có sao? Làm nhỡ chuyện của muội à?”

Trịnh Diễm đáp: “Tỷ đừng cố giữ, hai bên đều không có thời gian, mà sáng nay phải đến Cố gia nữa chứ. Nhà chúng ta gần nhau mà, hai ngày nữa tụi muội sẽ đến thăm tỷ, lúc đó chỉ sợ tỷ ngại phiền. Bên sư mẫu hẵng còn sớm, chỉ là biết tin rồi thì phải đi cho kịp trong giờ Mão. Nếu tỷ có gửi lời rồi thì để muội chuyển hộ.”

Trịnh Du mắng: “Con nhóc không có lương tâm, có giữ lại thì nói ta một tiếng. Chớ làm ‘gái ế không giữ trong nhà’…” (*)

(*) Đại khái là trêu Trịnh Diễm khi nào ế thì tới báo cho chị biết, để chị đuổi luôn, đừng làm gái ế già, ý hiểu của mình là thế, nhưng khó mà edit cho sáng ý được.

Trịnh Diễm vội vàng xoay mặt, Trịnh Du cười đến mức run bả vai.

Ba người tới nhà của Trưởng công chúa Khánh Lâm, Đỗ thị chưa rời đi, đang trò chuyện với Trưởng công chúa Khánh Lâm và Trưởng công chúa Nghi Hòa. Thấy ba chị em nàng tới, Đỗ thị nói: “Ta phải qua chỗ Thành Quốc công. Vừa hay, Trưởng công chúa cứ nói chuyện với mẹ con Ngũ nương đi.”

Triệu thị ân cần thăm hỏi Trưởng công chúa Khánh Lâm, tự xin ý kiến để đi cùng mẹ chồng. Trưởng công chúa Khánh Lâm nhanh chóng đồng ý: “Vậy mới tốt, bên Tứ nương phải có nhiều người bên nhà mẹ chăm sóc chứ.”

Trưởng công chúa Nghi Hòa biết Trịnh Du lại sinh con trai, trong giọng nói có chút hâm mộ: “Tứ nương sinh con, có chăm sóc bao nhiêu cũng không đủ.” Nói xong lại nhìn qua bụng của Quách thị.

Trưởng công chúa Khánh Lâm biết từ khi Quách thị có thai thì chị của bà liền khấn phái thần phật, cúi lạy ông trời, không vì cái gì khác, chỉ cầu xin để con gái mình sinh được một bé trai. Nghĩ thấy Trịnh thị nhiều con, các chị dâu đều là dân sinh con trai chuyên nghiệp, nếu con gái mình mà đẻ con gái, Trưởng công chúa Nghi Hòa cảm thấy xấu hổ với người ta. Ngay cả Trưởng công chúa Khánh Lâm có con trai, cũng bị chị mình hỏi có bí quyết gì không, Trưởng công chúa Khánh Lâm dở khóc dở cười: “Bản thân muội cũng như ở trong sương mù, nào biết đi đâu? Hai người bọn tỷ cũng sát bên muội đó thôi, chẳng lẽ muội biết mà không nói chắc? Tỷ tỷ cũng sinh A Tĩnh cơ mà?”

Trưởng công chúa Nghi Hòa ai oán mà rằng: “Lúc tỷ sinh A Tĩnh cũng lơ mơ lắm!”

Trưởng công chúa Khánh Lâm không nói gì cứng miệng.

Người ở lại cũng không phải người ngoài, tình cảm của Trịnh Diễm và Trưởng công chúa Khánh Lâm cũng giống mẹ con, Trưởng công chúa Nghi Hòa là mẹ ruột của Quách thị, trước mặt Trịnh Diễm, Trưởng công chúa Nghi Hòa cũng khó nói chuyện cầu xin có con trai. Mọi người đều đổi đề tài, đề tài hấp dẫn nhất là nửa tháng nay không thấy Thái tử xuất hiện, mọi người ngờ rằng anh ta bị em gái nào làm thịt rồi.

Trưởng công chúa Nghi Hòa cười dài: “Thuốc dán của ngự y cũng tốt lắm, nhanh thế mà ra ngoài rồi. Ta muốn đi lấy bằng được, lấy bằng hết, lo trước khỏi họa.”

Trưởng công chúa Khánh Lâm biết, bà chị của mình không phải có hận cũmà là thù mới với Đông cung. Quách thị nhờ ơn của Trì Tu Chi trở thành thế gia, vẫn bị xem thường như trước, thậm chí còn chịu sự bài xích mãnh liệt hơn trước đây, như Quốc Tử Giám là một chuyện; thế gia gặp mặt không mời, Quách gia muốn mời bọn họ mà cũng không thèm nể mặt lại là chuyện khác; muốn mai mối cho Quách Tĩnh mà thế gia không nể tình càng khiến Trưởng công chúa Nghi Hòa nổi cơn thịnh nộ.

Coi như Trưởng công chúa Nghi Hòa cũng là một nhà chính trị ăn ý với Trịnh gia, con trai muốn cầu hôn với Trần thị, các con gái của bà đã gả đến thế lực các nơi. Các nhà khác đều nể tình, chỉ có mỗi mình Trần thị khiến mặt bà không thể xuống đài được. Trưởng công chúa Nghi Hòa và Trưởng công chúa Khánh Lâm không hổ là chị em với nhau, các bà không chủ động chen chân vào chính trị, nhưng động đến tử huyệt, làm bọn họ mất mặt thì có khả năng cắn chết bạn ngay!

Mà tử huyệt của Trưởng công chúa Nghi Hòa chính là đứa con trai bảo bối, bạn trẻ Quách Tĩnh.

Xem ra bà định liều mạng với chuyện của Đông cung, chỉ biết vị này chắc chắn không có lòng tốt, từ nay về sau tỷ muội đồng lòng.

***

Đối với Trịnh thị mà nói, những ngày tháng tám rất thoải mái, đầu tháng tám Trịnh Du sinh con. Trưởng công chúa Khánh Lâm, có quan hệ tốt với Trịnh gia, lại mang thai. Gia đình nhỏ của thầy giáo Cố Ích Thuần lại thêm người. Trưởng công chúa Nghi Hòa và Trưởng công chúa Khánh Lâm cũng đã nhất trí với nhau.

Trịnh Diễm cố tình hỏi chuyện về lang nha bổng với cha nàng: “Cha dùng lang nha bổng nện người ta thật ạ? Dạng nào?!”

Con gái, có thể không hưng phấn thế được không?

“Chứ sao? Con thấy đám lính già đó dễ đối phó vậy à? Đám đó là đầu tiên, cả cậu con, cũng bị cha lôi ra, đập hết. Cứ nhìn hành động của bọn họ, thấy đứa nào vững vàng, kẻ nào có võ nghệ, tên nào có thể dùng binh, từng bước từng bước mà chọn ra.” Trên mặt Trịnh Tĩnh Nghiệp hằn nếp cười nhàn nhạt. Trịnh đảng cũng là quân phản bội đào binh, thế mà trong đội ngũ Trịnh đảng chẳng có ai bỏ chạy, đều rất trung thành có nề nếp.(*)

(*) Bảo Trịnh đảng là quân phản bội, đào binh vì Trịnh đảng được gọi là ‘gian đảng’ – mà gian đảng cũng mang nghĩa là ‘kẻ phản bội’. Nếu hiểu gọn câu trên thì thành: Quân của ‘kẻ phản bội’ mà chẳng có ai phản bội.

Đều là do Trịnh Tĩnh Nghiệp hung tàn chứ sao! Tiêu diệt đến giờ chưa thất bại lần nào, lên sân khấu đánh người cực kì tàn nhẫn, đánh dẹp hay chiêu hàng đều dùng, gian kết chất chồng. Đầu hàng thì có thể sống an ổn, nhưng tên nào phản bội thì đánh chết thẳng tay, đánh thật, dùng đầu của lang nha bổng đánh.

Trịnh Tĩnh Nghiệp vuốt cằm: “Cha chỉ đập chết ba tên, sao bọn họ lại sợ thế nhỉ?”

Trịnh Diễm: Nhất định vẻ mặt lúc đó của cha rất tàn nhẫn rất biến thái!

Cha và con gái đều đang có những ý nghĩ xấu xa, đột nhiên có một tiểu thái giám trong cung chạy tới: “Tướng công, Tướng công, Thánh nhân bệnh rồi.”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK