Cuộc họp ấy ở bên xóm Thoong Mạ. Đúng ước mong của Dền : được vào hội như người lớn. Dền sắp vào hội. Dền sẽ có tên mới của cách mạng cho, như anh. Dền sẽ được làm công việc cách mạng.
Anh Phục Quốc bảo :
- Thượng cấp đồng ý làm hội cho các em rồi. Chiều mai sang Thoong Mạ.
- Em phải làm thế nào ?
- Em rủ những đứa tốt cùng sang...
- Thằng Thàn có được không ?
- Được.
- Con gái vào hội được không ?
- Được.
- Như cái Xâu nhé.
Dền còn hỏi cho nhiều đứa nữa rồi bồn chồn đợi đến mai. Hôm sau, anh Phục Quốc đi cày về muộn hơn mọi khi. Xung quanh Dền, ai làm cái gì cũng lâu hơn mọi khi. Còn ngày thì dằng dai mãi chẳng đến chiều.
Rồi buổi chiều chờ đợi cũng đến. Mặt trời vừa lấp sau lưng thì bóng núi bên kia suối ngả đè xuống. ánh nắng như những dòng suối đỏ rực chạy ra, chan hòa mặt ruộng. Dền lội lõm bõm dồn vịt về.
Đứng trên sàn, mẹ hỏi :
- Sao cho vịt về sớm thế ?
Dền nghiêm trang nói :
- Con có việc phải đi, mẹ ạ.
- Con đi đâu ?
- Đi việc người lớn với anh Phục Quốc, mẹ ạ. Mẹ ngạc nhiên, hỏi lại :
- Anh Phục Quốc là ai ?
Dền mới nhớ ra anh dặn cần bí mật. Nhưng mẹ cũng không hỏi thêm.
Bấy giờ còn trong tháng giêng. Người đi chơi giêng hai theo các đám then còn lăn lóc, mê tơi suốt ngày sang đêm qua các xóm. Hát then vừa réo rắt vừa buồn, đông người nghe nhất là đến đoạn "khảm hải", đúng nửa đêm. Lúc ấy, hương và nến nhà then được thắp thêm, người nghe then im phắc. Trong bóng tối, giọt nước mắt rơi theo lời hát, thương Sa Dạ, Sa Đồng vượt biển mãi chưa đến nơi. Đời con người, ai cũng có lần nghe then đến đoạn "khảm hải", khóc thương người trong chuyện lại ngẫm nghĩ đời mình cũng lênh đênh như vượt biển mà chưa tới. Mẹ ngỡ anh em Dền đi xem then. Trẻ con chưa biết gì, nhưng trẻ con mà đi nghe "khảm hải", trẻ con cũng sắp phải vào đường khổ như người lớn, người già rồi.
Mẹ thương con, mẹ nghĩ vẩn vơ thế. Nhưng trên lưng tảng đá sau xóm Thoong Mạ chiều hôm ấy, có một đám ngồi bên gốc cây nghiến xanh rì. Ai trông thấy, chắc tưởng bọn trẻ trâu trên gò xuống chỗ kín đáo để chơi nghịch, - chỗ ấy có mấy tảng đá phẳng. Đúng, bọn trẻ trên gò xuống. Cả người lớn cũng xuống nữa.
Trong bọn trẻ, có thằng Tinh. Tinh bị liệt chân từ thuở bé. Nhưng Tinh vẫn cỡi trâu và đuổi trâu như mọi bạn khác. Vào gốc cây nghiến vướng đá, trâu không trèo được, thế mà Tinh vào được. Bọn trẻ leo lên tảng đá sau núi. Rồi Dền cõng Tinh. Thàn thì lúc giữ, lúc đẩy đằng sau, đun Tinh trèo lên.
Anh Bát Ngư nói :
- Có anh Đức Thanh về dự hội.
Mấy em cùng nhìn anh Đức Thanh. Anh ấy, nhà ở làng dưới, ai cũng đã rõ. Dường như biết các em đương tò mò nhìn, anh Đức Thanh nói : - Đức Thanh là tên đoàn thể cho anh. Bây giờ các em vào hội, các em cũng có tên cách mạng để giữ bí mật cho cách mạng.
Tất cả đều nói :
- Chúng em muốn có tên cách mạng.
Đức Thanh cười :
- Bây giờ anh cắt nghĩa cho các em nghe.
Hội cứu quốc để đánh Tây đuổi Nhật là hai kẻ thù của dân tộc mình. Ai muốn đánh Tây đuổi Nhật đều theo hội cứu quốc của Việt Minh. Các cụ già hội phụ lão cứu quốc. Phụ nữ thì phụ nữ cứu quốc. Thanh niên thì thanh niên cứu quốc. Ai khỏe mạnh vào đội tự vệ cứu quốc tập luyện chiến đấu. Các em đã giác ngộ cách mạng các em được vào hội nhi đồng cứu quốc. Dền làm tổ trưởng, các em muốn không ?
Tất cả nói :
- Em bằng lòng.
Anh Đức Thanh lại nói :
- Dền nhanh nhẹn thế thì tên cách mạng của Dền là Kim Đồng !
Dền thích thú, hỏi lại :
- Em được tên là Kim Đồng a ?
Anh Đức Thanh lại nói :
- Thàn thì là Cao Sơn. Cách mạng như núi cao. Cao Sơn, tên cách mạng của em Thàn là thế.
- Cái này ở nhà tên là cái Xâu. Anh cho nó tên cách mạng là gì ?
- Em là Thanh Thủy, dòng suối trong. Cách mạng như dòng suối trong qua làng.
- Tên em là Nì, anh ạ.
- Tên cách mạng của em là cô Thủy Tiên, hoa thủy tiên quí lắm, hoa cách mạng quí lắm.
- Tên em là Tinh. Có đứa ác, gọi em là Tinh thọt.
- Bây giờ em là Thanh Minh nhé.
Rồi anh Đức Thanh dõng dạc nói:
- Các em đã có hai tên. Một tên của cha mẹ cho. Một tên cách mạng đặt cho. Làm con biết kính yêu cha mẹ. Làm người cách mạng thì trung thành với cách mạng. Những công tác cách mạng thế này. Khi giặc Pháp và quan lính chó săn vào làng, các em giữ bí mật của hội viên. Trước nhất, các em phải học văn hóa. Giặc Pháp không mở trường, bắt dân ta chịu dốt, ta phải bảo nhau đi học lấy chữ. Có chữ mới biết đọc sách báo, làm cách mạng giỏi được.
Bây giờ cùng nhau hát bài Trăng sáng cao. Kim Đồng hát trước một lần đi cho các bạn nghe.
ở Nà Mạ đã có sẵn lớp văn hóa của đội tự vệ. Bây giờ thêm lớp bí mật của các em. Không có giấy bút, học thế nào. Cả bọn bàn cách lên núi lấy cây dó về làm giấy. Em nào cũng đã biết làm giấy. Làm ra tờ giấy dày và mịn hơn giấy cúng ma bán ở chợ thì viết được. Rồi đi chợ Nà Giàng mua bút chì. Thế là có sách, có bút. Chỉ còn công thu được chữ về, thế là biết chữ.
Tối tối các bạn rủ nhau đi học. Cả những đêm trăng sáng đỉnh núi, các em cũng đến lớp - một cái lán trong khe đá. Những cục nến trám thắp lên. Các em mở giấy, thì thầm đọc. Ngoài đầu rừng, trăng trải sáng như tờ giấy phẳng. Thèm chạy nhảy ngoài trăng lắm, nhưng phải cố nhịn. Đến khi tan học, mới ra đùa một lúc bên bờ suối. Tối nào cũng vậy, thật nhộn và mê mải.
Trong bọn có Thanh Minh chăm học và sáng dạ nhất. Thanh Minh biết mình không bằng chúng bạn, Thanh Minh càng chăm. Chân bị bệnh liệt, suốt ngày phải ở nhà. Đương quay sợi hay bóc dó, Thanh Minh cũng cặm cụi tìm cách học. Nghe các anh dạy chữ nào, Thanh Minh thuộc như nuốt chữ ấy. Thanh Minh lấy than viết chữ ra khắp xó cột, quanh bếp. Chẳng bao lâu đã nhớ hết mặt chữ cái, cả lối học quốc ngữ mới, có chữ i chữ t ở bài một. Thanh Minh đã biết đánh vần sách Ngũ tự kinh [1] của cách mạng.
Nước ta bị Tây cướp, Đã bảy tám mươi năm...
Kim Đồng thì nhanh trí và hay có sáng kiến. Kim Đồng nói với anh Đức Thanh : - Anh cho em công tác giao thông. Em đi được.
Anh Đức Thanh im không nói. Rồi anh trỏ tay ra ngoài trời tối :
- Có khi công tác cần tối cũng phải đi, em ạ.
Kim Đồng nói :
- Em cũng có đi tối rồi. Em đã lên núi xem các anh tập quân sự, đi đêm đấy.
Anh Đức Thanh vỗ vai Kim Đồng, "à" một tiếng, rồi cười : - Được, hôm nào anh cho em đi giao thông.
Anh Đức Thanh đi khỏi. Kim Đồng nghe tiếng chân anh bước ra ngoài lán học khe núi. Đêm lặng lẽ đầy sao. Chân anh giẵm gãy một cành khô. Xa, tiếng chó sủa. Một mình trong đêm, chắc giao thông cách mạng cũng đi như thế, chẳng có gì là sợ.
Rồi Kim Đồng được làm công tác mới cho cách mạng. Kim Đồng đi công tác giao thông. Nhưng không phải đi đêm, như Kim Đồng vẫn nghĩ. Hôm ấy, một buổi sáng.
Anh Đức Thanh đưa Kim Đồng một cái thư. Chỉ là cuốn giấy nhỏ tý bằng tổ sâu. Anh dặn:
- Tiếng nói của cách mạng đựng trong thư này. Cứ trông cái giấy phong bì ngoài thư vẽ một ông sao, hai ông sao thì biết đấy là thư có tiếng nói cần, phải đưa nhanh. Hôm nay em đưa thư này xuống Hòa Mục.
Anh dặn Kim Đồng xuống Hòa Mục tìm ai và những điều tỉ mỉ khác.
- Để thư trong mép áo, gấu quần, trong mũ... Kim Đồng hỏi :
- Trong cần câu được không ?
- Đốt trúc cần câu rỗng thì để được. Nhưng để chỗ nào cũng phải cẩn thận. Tây hay lính khám không thể biết tìm được để thư ở đâu.
- Gặp Tây hay gặp quan thì làm thế nào?
- Cứ đi tự nhiên. Nhìn trộm nó dễ nghi ngờ. Đi như đi chơi, đi chợ. Thằng quan hỏi đi đâu, bảo đến nhà mo [2]. Mẹ ốm, phải tìm người về cúng. Gặp Tây, bảo tôi đi chơi. Hay nói cái gì khác cũng được, cốt nó không biết mình đi việc cách mạng.
- Vâng ạ.
- Ta nói để che mắt địch, làm cho nó đứng trước mặt mà không biết gì.
Từ Nà Mạ xuống Hòa Mục có một quãng đường. Kim Đồng đút thư vào đốt cần câu, rồi lấy đất thó trít lại. Cái cần câu cầm nơi tay. Có khó khăn, ta vứt ở đâu đấy, chốc lại lấy cũng được.
Kim Đồng vừa đi vừa lẩm nhẩm:... gặp Tây này... gặp lính này... gặp châu đoàn này... Lính quát, ... Xã đoàn quát: mày đi đâu ? Tôi đi câu. Tôi đi chơi. Tôi đi gọi mo. Cứ nói tự nhiên, nó không biết gì cả. (Không phải nói dối, đây là cách mạng nói che mắt nó) - anh Đức Thanh bảo thế... Cái gì, ai đi kia ? Tây đồn hả?
Không khéo thì lính đấy, một lũ kia mà. Cả đòn gánh, cả "dậu" ngô, "dậu" thóc. Không, người trong làng đi chợ Nà Giàng mua muối về.
Suốt đường, Kim Đồng nhìn xa và lẩm nhẩm ôn các cách trả lời. Nhưng chẳng gặp cái gì lạ. Có lúc mong cứ thử gặp thằng lính xem sao. Đường vẫn vắng tanh. Chỉ có mỗi bọn đi mua muối về ấy thôi. Còn chỉ thấy hoa cỏ tranh bạc trắng vờn hai bên. Những cây vối xù xì, lụ khụ bên bờ suối lại đương trổ lớp lá xanh mởn. Mùa này nước trong, gió hiu hiu, lội xuống bắt cá vực sâu kia, chắc bữa chiều nhà mình có cá rán đấy.
Nhưng thôi, hôm nay đương bận việc cách mạng.
Đến Hòa Mục, vào một nhà tận cuối xóm. Anh Đức Thanh dặn nhà ấy có bụi mai. Bụi mai đây. Bụi mai mọc ngay chỗ máng nước rửa chân lên nhà. Đúng như anh dặn. Đây rồi, Kim Đồng không phải hỏi thăm. Anh Đức Thanh đã bảo : bụi mai, bên máng nước lần đầu nhà... cố nhớ đừng hỏi thăm.
Lên nhà, Kim Đồng thấy một bà có tuổi, đầu quấn khăn chàm tùm hụp, đang thổi bếp. Bà này có phải là người của cách mạng không. Người cách mạng mà lại nhăn nhó thổi bếp thế kia! Nhưng, anh Đức Thanh đã bảo thế. Ta cứ hỏi. Kim Đồng bạo dạn chào:
- Chào bá ạ.
Bà ấy vẫn thổi bếp, không nhìn, chỉ nói lên:
- Ừ cháu đến chơi. Cháu chưa lên núi đuổi trâu về à ? Nó còn mải bắt cá ngoài vực kia kìa, bảo mãi vẫn chưa đi. Hư quá. Cháu ra gọi hộ bá.
Kim Đồng bấm bụng không dám cười. Kim Đồng biết bà nhầm mình đến rủ con bà lên núi dồn trâu về. Kim Đồng dõng dạc nói câu khẩu hiệu để người cách mạng nhận nhau - câu anh Đức Thanh dặn:
- Phiên trước bá đi chợ Nà Giàng, hay bá đi chợ Nậm Nhũng ?
Bà ngẩng lên, giụi mắt, hỏi :
- Cháu là người của cán bộ Đức Thanh a?
- Vâng ạ.
Bà bối rối :
- Cháu... đồng chí... Ngoan quá, giỏi quá... cháu đồng chí... cháu ngồi đây...
Kim Đồng lấy thư ra đưa rồi xin bà cho về ngay. Việc bí mật, bà không dám hỏi con nhà ai, ở đâu, nhà có xa không. Bà chỉ hấp tấp tìm được hai quả trứng vịt luộc, để trên chạn bát, bắt Kim Đồng cầm đi ăn đường. Khi Kim Đồng xuống thang, bà đứng trên sàn, nhìn theo. Trời đất đổi thay đến nơi rồi. Bà nghĩ thế.
Kim Đồng về chuyến ấy, anh Đức Thanh khen. Anh bảo Kim Đồng họp tổ, kể lại các bạn biết cách đi đường và sự đề phòng của Kim Đồng thế nào. Ai cũng nghĩ rồi có khi đến lượt mình đi giao thông như thế.
Thế là Nà Mạ có thiếu nhi biết làm cách mạng. Từ khi Nà Mạ có hội của thiếu nhi thì bạn nào cũng thấy như xung quanh tấp nập. Cũng cái chơi như mọi khi, mà bây giờ có ý nghĩa khác.
Chẳng bao lâu, cả hai xóm Pác ý và Pác Luông ở Nà Mạ đều vào hội cứu quốc. Người cả xóm theo cách mạng rồi, bây giờ chỉ khi họp đông mới phải lên núi. Cán bộ và giao thông qua lại đều ở dưới làng. Nhưng Nà Mạ đi từ đằng xa, đã thấy mái nhà. Nà Mạ kề bên đường cái, đường suối. Các làng đi chợ qua, đầu súng của lính tuần quệt cả vào giọt mái gianh.
Bởi vậy, khi có họp, có người lạ, phải đặt trạm gác ở chỗ cao ngoài Pò Đoi. Ngoài ấy ới một tiếng, trong này đã biết.
Nhưng lại không phải lúc nào cái thác Pò Đoi cũng chảy hiền lành. Mùa mưa, nước lũ đẩy thác đột nhiên réo lên.
Hôm ấy có họp. Đội thiếu nhi cắt gác. Kim Đồng đếm các bạn, thấy đến lượt mình. Kim Đồng dắt đàn vịt ra bờ suối rồi đi chăn bò nhân thể. Đêm qua lại mới có lũ về làm cái thác kêu điếc tai. Cái mõ theo nhịp cổ con bò lắc lư, kêu coọc coọc, phải lắng tai mới nghe tiếng.
Một lúc, con bò ngoạm vào luống ngô. Kim Đồng phát vào lưng nó một cái. Bò chạy lồng ra. Mõ cổ bò coọc coọc inh lên. Kim Đồng chợt nghĩ bây giờ nếu treo cái mõ này vào nhà các anh đương họp rồi dòng dây ra đây thì hay quá. Mõ báo động treo tận trong kia, cái thác Pò Đoi tha hồ gào đến hôm nào thì gào !
Nghĩ thế, Kim Đồng làm ngay. Kim Đồng buộc dây, ném qua bờ suối, chỗ ấy bãi hoang không người đi, rồi chằng dây vào đầu xóm. Cái dây qua ruộng dưa, buộc hờ cái mõ khác ở đấy - lính thấy thì bảo là mõ đuổi chim, rồi dây dòng nữa vào vườn hành, ngay bên cạnh cột sàn, đến đấy mới buộc cái mõ thật. Ngoài Pò Đoi có báo động, giựt dây, trên nhà nghe tiếng mõ ngay.
Không phải thế đã xong. Trị được mọi tiếng rống thác Pò Đoi rồi, bây giờ đến cái ruộng mới khó. ở đầu xóm, người làng trồng ngô tháng năm xuống ven suối.
Ngô đã cao ngập đầu rồi. Ngồi ở Pò Đoi mà gác họp thì đến lúc thằng lính đi đâm vào người mình mới biết.
Tình hình ấy phải canh hai người. Thanh Thủy đào giun cho vịt cạnh thác Pò Đoi, có đầu mối giựt dây báo động vào xóm ở đấy. Đào giun hay làm gì thì làm, nhưng phải ngồi nghe động tĩnh phía bờ suối bên ngoài ruộng.
Bờ suối, Kim Đồng ngồi câu. Lúc nãy, gặp người đi bắt cá nước lũ về, Kim Đồng đã xin được một con cá nheo. Kim Đồng thả con nheo vào giỏ, để bên mép nước. Cái cần câu cắm hờ ở gốc vối. Kim Đồng đứng trên cành vối nhìn ra.
Gió thổi đung đưa rập rờn lá ngô. Từ trên ngọn cây gạo gần đấy, đàn sáo đen liệng xuống. Con đậu, con bay, tiếng hót vang. Tự nhiên, cả đàn lại bay ù lên cây. Tinh ý, Kim Đồng biết có người đi vào, chim sợ bay lên cao. Trông ra, đã thấy nhô nhốp bọn lính cơ đương rẽ tay đi trong ruộng ngô.
Kim Đồng kêu to :
- Được con cá rồi ! To quá ! To quá!
Hét xong, Kim Đồng nhảy xuống, lấy vội con cá trong giỏ ra. Nhưng con cá đã chết cứng từ lúc nào. Bọn lính xô tới.
- Xem được cá bằng nào mà mày quát to thế. Nếu lính thấy cá chết thì lộ mất. Nhanh thoắt, Kim Đồng càu nhàu ném đét con cá xuống bờ đá.
- Nhảy à ! ạng quật chết tươi cho mất nhảy!
Rồi Kim Đồng rút dao lưng, mổ cá luôn. Cả lão châu đoàn tới nữa. Lính hỏi:
- Cá to nhỉ ? Được mấy con ?
- Mỗi con này !
- Đập chết thế, ăn không ngon.
Kim Đồng cười :
- Nó mà tụt xuống suối, mất ăn thì mất cả ngon nữa !
Kim Đồng vẫn ngồi nguyên mổ cá. Bọn lính kéo vào xóm. Lính đi khỏi, Kim Đồng trèo lên cây vối, nhìn theo. Những mái nhà im lặng. Chắc cuộc họp trong xóm đã tan kịp rồi. Tiếng ve kêu buổi trưa râm ran. Lúc lâu, vẫn tiếng ve kêu thế. Thanh Thủy đã giựt mõ báo động rồi. Nhất định thế.
Lát sau, châu đoàn và lính lục tục ra. Kim Đồng nằm úp mình trên cành vối, nhìn mặt nước. Như mải câu. Thật thì chẳng thèm nhìn quan lính nào nữa. Và bọn lính qua cũng không buồn hạch sách thằng bé một câu. Chúng lừ đừ đi.
Từ trong ruộng ngô, tiếng Thanh Thủy hỏi:
- Được cá thế nào mà kêu to thế? Thật à?
Kim Đồng trèo xuống, nhấc giỏ đựng con nheo vừa câu được. Cái giỏ đã biến mất. Thì ra lính đi qua, đã kều cả giỏ và con cá đi rồi.
Vừa hay, trời lộp độp mưa. Hai đứa chạy ù nấp dưới mái cầu. Những chiếc cầu gỗ lợp mái từng quãng qua trên suối cho người đi đường tránh mưa tránh nắng. Kim Đồng nói:
- Tiếc công mổ cá ! Lại mất con cá nheo.
Phải bắt cái suối đền con cá khác mới được !
Thanh Thủy đi tìm mồi cho Kim Đồng câu. Hai đứa tha thẩn trên bờ suối, đến chiều mới về. Kim Đồng câu được bốn con nheo, bảo Thanh thủy đem về. Nhà nó có em bé, thích ăn cá. Nhưng Thanh Thủy không lấy. Sau chia, mỗi đứa xách hai con.
Một lần nữa, Kim Đồng về đến đầu làng. Trông ra, thấy nước suối cuồn cuộn. Đương giữa tháng sáu, trận mưa sáng sớm chỉ đổ ào một lúc, đã trắng ruộng. Trong đầu ngõ, đàn vịt các nhà kéo ra. Mưa mới, vịt xô nhau chạy tìm con giun, con mối bị ngập nước, chui lên.
Một toán lính bỗng từ phía trên xuống. Kim Đồng vẫn đi tự nhiên. Lính cũng bằng đàn vịt kéo đến thôi. Trong người Kim Đồng không mang tài liệu. Chẳng lo gì, mình cũng giống một trẻ con nào đi chơi đấy.
Đám lính đã đi tuần suốt ngày, qua mấy làng. Có vẻ đói, mỏi lắm. Bây giờ chỗ nào cũng thấy lính. Đồn Sóc Giang lính khố đỏ về xây lô cốt ra tận chợ. Lính dõng của tri châu đóng lên Háng Thoóng và tận trên Nậm Nhũng. Từ Lũng Pèng xuống Xí Pài thì tổng đoàn Cưu đem người đi mò suốt đêm.
Bây giờ gặp lính, Kim Đồng có ý nghĩ khác trước kia, khác ngày bị nó cướp cái lồng vịt. Kim Đồng chăm chú để ý. Nó là kẻ thù của cách mạng. Xem nó muốn làm gì. Có thể bọn này muốn bắt vịt. Vịt ra đồng nhiều thế kia, như làm mồi cho nó. Nó tóm cổ con này rồi quơ đâu được chai rượu, vào làng đánh chén. Vịt của những nhà ai, vịt của tổ nuôi làm quỹ cứu quốc thì thiệt quá. Không được. Hay là chạy vào gọi người ra giữ vịt.
Tự dưng, con vịt lại như trêu ngươi. Chẳng biết sợ rắn nước, rắn mòng gì sắp ngoằng vào chân, đương ăn giữa ruộng cày cứ lạch đạch chạy về phía bọn lính. Rõ đem mồi đâm vào chân nó.
Nhỡ nó bắt mất. Con vịt trắng xệ đít, đi lúc lắc.
Một lính nhìn đàn vịt, cười nhăn mũi, hỏi trống không :
- Tao lấy một con nhé ?
- Rút thắt lưng đập thì chết ngay. Chỉ việc xách đi !
- Phải đấy.
Một lính hỏi to, như thách :
- Đứa nào xách con vịt này ?
Bọn đằng sau quát giựt giọng :
- Ông ơi ! Thôi, ông ơi !
Tất cả bỗng lùi lũi đi, im lặng. Kim Đồng cũng chưa kịp ra cản cách nào.
Kim Đồng ngạc nhiên. Kim Đồng không biết chúng nó sợ cái gì.
Đi một quãng, một đứa ngoảnh cổ lại, như tiếc rẻ, rồi chép miệng, nói :
- Thôi, trêu vào vịt Việt Minh thì có khi không đem cái xác về được với vợ con.
Những lính khác bàn tán hốt hoảng hơn: - Chạy nhanh lên không thì chết cả bây giờ ! Không biết hôm nọ thằng Lểu chết ở đây đấy a ! Không biết vùng này đã Việt Minh cả rồi a !
- Mình đi thế này, có khi Việt Minh đương nấp trên núi nhìn.
Cả đám lính lếch thếch chạy.
Năm trước, nó lấy lồng vịt của Kim Đồng ở giữa chợ. Hôm nọ, nó bắt trộm con cá nheo. Bây giờ nó sợ vịt. Nó bắt làng nào cũng phải rào ba chặng rào tre nhưng nó sợ không dám vào làng. Kim Đồng thấy vui lạ lùng. Kim Đồng tung cái cần câu. Kim Đồng nhặt cần câu. Kim Đồng chạy vào trong xóm. Phải kể chuyện này ngay với các bạn.
Kim Đồng đi qua gốc gạo. Tiếng con chim lạ kêu trong bụi. Kim Đồng quay lại. Không phải chim kêu. Đấy là hiệu người gọi. Anh Phục Quốc đứng núp đấy.
- Anh làm gì đấy ?
Phục Quốc hỏi lại em :
- Còn lính ngoài ấy không ?
- Nó đi xa rồi.
Phục Quốc bước trong bụi ra, kêu "ồi" một tiếng, như thở dài cho nhẹ mình, rồi kể :
- Tao đương cày đằng chân núi. Có đứa trong xóm rung dây mõ báo động. Trông ra đã thấy lính về vàng cả mép đường kia. Tao đuổi bò vào rừng rồi ra đây rình xem nó có vào làng không.
Kim Đồng nói :
- Bây giờ lính sợ cách mạng rồi.
Rồi kể chuyện lúc nãy lính thèm ăn thịt vịt mà phải chạy, không dám bắt vịt.
Phục quốc ngẫm nghĩ, rồi nói :
- Nó sợ, ta lại càng phải cẩn thận. Hồi này, Tây đồn vừa đi sục phá ta, vừa bắt lính nhiều lắm. Bây giờ em đứng đây canh, anh vào cày cho nốt buổi.
Có động thì làm hiệu gọi bò, nghe không. Phục Quốc lại vào chân núi, lúi húi cày đằng ấy. ừ, canh gác. Bắt được con dế cỏ, cầm cái cần câu "công tác", Kim Đồng trèo vắt vẻo lên cành vối, thả câu xuống mặt suối.
Nước lóng lánh chảy. Bờ đá xanh mờ rêu. Nhòa nhòa mấy bóng người đi tới.
Kim Đồng ngẩng lên, trông qua khe lá vối. Anh Đức Thanh đi trước. Tay anh cầm lồng chim họa mi, che miếng vải đỏ. Như vừa ở làng người Mèo trên núi Lục Khu xuống. Trên ấy, nhà nào cũng nuôi họa mi, ngày chợ đem chim đi chọi ăn tiền thưởng. Sau lưng anh, có một ông già. Anh Đức Thanh không chơi chim chọi.
Chắc lồng chim của ông, anh cầm hộ. Kim Đồng cũng chưa trông thấy ông này bao giờ.
Ông gầy, cao, tay cầm cái gậy trúc. Nhưng không phải gậy chống. Cái gậy hơi dài, cái sào của người Hà Quảng đi làm cỏ ruộng. Chân ông đi đất, ông mới đi làm cỏ ruộng về. ạng có râu lưa thưa, mặc áo chàm Nùng bạc vai, một bên cửa ống tay rộng đã vá miếng to. Mới nhìn, lại ngỡ ông mo đi cúng. Trông cái sào và hai người, lại tưởng hai bố con mới đi chơi chọi chim trên núi về.
Nhưng chắc không phải. Kim Đồng đoán: chỉ có ông đi chơi hay ông đi cách mạng thôi. Kim Đồng tò mò, đoán, để ý.
Anh Đức Thanh đã thấy Kim Đồng ngồi trên cành vối.
- Kim Đồng làm gì trên ấy ? Câu à ?
Kim Đồng nhảy xuống đất, chắp tay, lễ phép : "Cháu chào ông ạ", rồi mới trả lời anh Đức Thanh :
- Em canh gác cho anh em đương cày đằng kia.
Ông cười, đến bắt tay Kim Đồng. Rồi Đức Thanh hỏi Kim Đồng :
- Có phải lính dõng tổng đoàn Tiếp lúc nãy?
- Phải ạ.
Đức Thanh hỏi dồn :
- Có biết đám cướp hôm qua giết lái trâu trên dốc ?
- Thấy bảo còn dõng canh xác người lái trâu trên ấy.
Đức Thanh quay lại, nói gì với ông. Rồi hai người rẽ vào trong xóm. Đoán là hai người lên trạm nghỉ ở hang đá chỗ Nọc én đằng sau nhà. Kim Đồng nghĩ : chắc có lính còn đóng ngoài đường, chưa đi được.
Xế trưa, anh Phục Quốc đi cày về rồi lại đi ngay. Lúc về, dặn Kim Đồng ra sau xóm, chờ ở gốc cây dâu da. Đến nơi, đã thấy anh Đức Thanh đứng đấy. Kim Đồng nói câu anh Phục Quốc vừa dặn nói lại với anh Đức Thanh: - Anh à, bọn dõng canh xác người trên dốc núi đã rút rồi.
- Đi hết chưa ?
- Nó bắt dân ra chôn người lái trâu. Cả ngựa cai khố xanh cũng đi rồi.
Đức Thanh lại đi, chốc lát đã cùng đồng chí già xuống nhà anh Ngư Mạn. Đồng chí già hỏi Đức Thanh :
- Kim Đồng đâu ?
Đức Thanh đáp :
- Em đợi ngoài kia rồi.
Đồng chí già bảo anh Đức Thanh gọi Kim Đồng vào. Kim Đồng trông thấy ông vẫn cầm cái sào trúc và hai ống quần xắn. Đức Thanh nói với ông:
- Em Kim Đồng, hội viên nhi đồng, giao thông, liên lạc, canh gác, em đều làm được cả.
Ông hỏi Kim Đồng :
- Cháu bao nhiêu tuổi ?
Kim Đồng đáp :
- Thưa ông, cháu được mười ba.
- Cháu học lớp mấy ?
- Đồng chí Đức Thanh dạy cháu đã biết đọc biết viết.
- Cháu cố gắng học cho giỏi hơn...
- Vâng ạ...
Ông lại hỏi :
- Cháu có hay đi gác cho các anh họp không?
- Thỉnh thoảng ạ.
- Nếu lính đến thì cháu làm thế nào?
- Cháu kêu : Bò ăn lúa ! Bò ăn lúa! Rồi chạy vào, thế là các anh biết có lính tuần.
- Bây giờ ta sắp đi được chưa ?
- Thưa ông, đi được rồi.
- Bây giờ đi đường gặp địch thì cháu nói thế nào ?
- Cháu nói thật to: "Chào quan ạ", để đằng sau các đồng chí biết mà tránh đi.
- Thế chúng nó hỏi cháu đi đâu ?
- Cháu nói: Đi đón thầy cúng. Mẹ cháu ốm đau chân. Nó có bắt đưa về nhà thì cũng thấy mẹ cháu đau chân, ông ạ.
Ông đứng dậy, nói :
- Nào ông cháu mình đi !
Rồi ông và anh Đức Thanh lội đường suối về phía Pác Bó. Kim Đồng thoăn thoắt đi trước. Trăng đã lên đằng góc núi. Sáng trăng đổ xuống thung lũng bên ấy, như vàng chảy sang bên này.
° ° °
Mỗi con suối đều có cuộc sống, vẻ mặt, dáng dấp và cả ý nghĩ của suối nữa. Khi suối âm thầm vào rừng sâu rồi ào ào xuống vực thác. Khi suối len lỏi cạnh cánh rừng thưa quanh làng. Khi suối nhởn nhơ vui với người qua lại bên mình, qua các bến đá, các nhịp cầu mái lợp có người ngồi chờ.
Dưới vách đá đứng, nguồn lên một dòng nước xanh trong. Chỗ ấy nước từ khe đá, lòng đất tuôn ra, đấy là nơi bắt đầu Pác Bó.
Con suối Pác Bó ấy khác tính lắm. Nguồn nó không phải mạch nước nhỏ. Suối này đã chảy thành dòng từ lâu trong đá, không biết đã qua mấy ruột núi, đến đấy, suối nhả ra dòng nước Pác Bó xanh trong.
Bạn đọc yêu quí !
Bác Hồ của chúng ta đã từ nước ngoài về ở hang đá bên suối Pác Bó, trong vùng núi ấy, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng mở hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh ngày 19 tháng 5 năm 1941, lãnh đạo cách mạng cả nước.
Có một đám trẻ trong xóm ra chơi trên dòng suối chân núi. Thật thì các em vừa chơi vừa làm. Bọn lúi húi đắp đá ngăn nước tát cá. Người làng ở bờ suối, ai cũng biết tay không bắt cá. Mấy cậu buộc dây, thả túm lá bồ quân kết lại, rồi kéo ngược lên. Tưởng tượng thuyền đương xuôi xa lắm, tận Nước Hai, tận Cao Bằng. Chiếc dây đứt, tiếng reo inh ỏi vang mặt nước.
Có một ông già râu dài đi qua. Thấy trẻ chơi vui, ông đứng lại. Lũ trẻ nhìn ông mặc áo Nùng như mình, quần xắn, tay cầm cây trúc. Như ông mình đi làm cỏ ruộng về. Như ông ở trong núi ra. Có lẽ ông làm cỏ ruộng. Năm nay mùa mất to. Trên thửa ruộng ven rừng cấy lúa sớm, trơ những bông lép. Cái loóng [3] nằm ngửa, đầy nước mưa, chẳng ai buồn tát ra bởi cái loóng đã để không từ tháng năm, chẳng hạt thóc nào đập vào. Lúa mùa mà cỏ cao quá đầu lúa. Cả cụ già cũng phải đi làm cỏ mà không xuể !
Ông già hỏi :
- Các cháu chơi gì đấy ?
Đám trẻ nhìn ông, tíu tít :
- Cháu bắt cá.
- Cháu thả thuyền.
- Ông vào đây chơi với cháu.
Ông cắm gậy trên bờ. Rồi xắn quần cao nữa, ông xuống suối với các cháu. Bọn trẻ thích quá. Cái bờ đã be cao. Càng rối rít múc tay tát nước. Ông cũng chũm tay, tát nước. Vừa tát nước vừa ngoảnh ra, chuyện với đám bé hơn, đương chơi thả thuyền. Ông hỏi:
- Cháu có biết thuyền đứt dây thì trôi đi đâu?
- Trôi vào bờ, ông ạ.
- Nếu không trôi vào bờ, trôi mãi thì đi đâu, cháu biết không ?
Một em đáp :
- Xuống Nước Hai.
Một em đáp :
- Đi Cao Bằng.
Một em bé nói :
- Cháu không biết, ông bảo cho.
Ông trỏ tay ra xa :
- Thuyền này đi hết núi thì ra cánh đồng, đúng, xuống Nước Hai. Nhưng còn đi mãi. Thuyền qua hai phủ tám châu đất Cao Bằng rồi suối đưa thuyền ra gặp con sông, sông lại đưa thuyền qua các cánh đồng, các thành phố ra tận biển. Các cháu sẽ được ngồi trên thuyền theo cái suối và con sông đi xem các nơi khắp đất nước ta.
Tiếng trầm trồ :
- Thích lắm.
Ông lại nói :
- Bao giờ lớn, các cháu muốn đi như thuyền cũng được.
Bọn trẻ lao xao hỏi :
- Làm thế nào đi được, hả ông ?
Ông bảo :
- Các cháu phải biết chữ.
- Thưa ông, làm thế nào cho biết chữ?
Ông mách :
- Nhiều anh lớn trong làng đã có chữ, bảo các anh dạy cho. Biết chữ mới đọc được sách, báo và đi đến các nơi có những cánh đồng, thành phố và cửa biển.
Bọn trẻ cùng kêu :
- Phải rồi ! Phải rồi !
Ông hỏi :
- Các cháu thấy ở trong xóm ông Dương có nhà không ?
- Ông không chơi với chúng cháu nữa à ?
Ông cười.
Một em chắp tay, nói :
- Ông Dương cháu có nhà. Cháu đưa ông về. ông lên bờ, cầm cái sào trúc.
- Các cháu cứ chơi. Ông biết nhà ông Dương rồi.
Ông còn quay lại, cười vẫy tay đùa. Bọn trẻ hỏi theo :
- Ông ơi, nhà ông ở đâu ?
Ông trỏ vào núi.
Ông vào xóm. Ông đi rồi. Nước suối Pác Bó phân vân chảy tràn trên những tảng đá trắng. Đám trẻ trông ra, tưởng tượng như lời ông, đương thấy được cái suối đem đi xa, to dần ra đến lúc gặp con sông. Qua hết những cây vối to kia đến chỗ hai bên bờ có những cánh đồng...
... Rồi gặp con sông. Rồi qua những cánh đồng, những thành phố, những cửa biển xa xôi của đất nước, chưa bao giờ được thấy.
Bạn đọc yêu quí !
Ngày ấy, công tác cách mạng phải bí mật. Không ai biết ông cầm cái sào trúc - cái sào làm cỏ lúa của người Hà Quảng, đấy là Bác Hồ.
Các cháu đã được gặp Bác Hồ, mà các cháu còn được gặp Bác Hồ nhiều lần nữa. Những năm ấy, các cháu gọi Bác là ông "ở núi", ông Thu Sơn.
Lát sau, anh Đức Thanh đi qua. Tay anh vẫn xách cái lồng chim họa mi. Lại kèm cả dây củ mài vừa đào được. Anh vừa tạt vào rừng, kiếm bữa ăn chiều nay. Anh lội ào ào qua suối.
Bọn trẻ mách :
- Anh Đức Thanh à, có ông ở núi vào nhà ông Dương.
Anh Đức Thanh nói : "Thế à ?" rồi đi vội vội theo.
° ° °
Anh Phục Quốc cày xong, đuổi bò về xóm rồi ra suối đợi em. Phục Quốc nhìn ngược lên phía suối, có hai cây vối già tựa vai nhau trên mặt nước, làm cầu cho xóm Pác ý sang xóm Pác Luông và đằng xa, bóng suối Pác Bó lấp lánh lên. Kim Đồng vừa về đến đấy.
Thấy anh, Kim Đồng khoe :
- Hôm qua, em đưa ông già cách mạng đi với anh Đức Thanh.
Hai anh em thong thả về xóm. Cả hai cùng im lặng, mỗi người có một ý nghĩ. Phục Quốc nói : - Người già cũng đi làm cách mạng thế đấy.
Kim Đồng nói :
- Bây giờ em mới thấy.
Phục Quốc nói :
- Ông già rồi mà ông vẫn xa nhà đi.
Phục Quốc đứng lại, nhìn Kim Đồng:
- Em ạ, thanh niên như anh đi cứu nước, còn đi nhiều lắm, đi xa lắm.
Kim Đồng nhìn anh và hỏi :
- Anh đi đâu ?
Phục Quốc lại nói :
- Anh nghe cán bộ bảo con đường đi hết nước ta từ đây về phía nam, một bên là biển Đông, một bên là núi Trường Sơn, dài mấy nghìn cây số. Đường Nam tiến đi cứu nước là đường ấy. Anh sẽ đi.
Kim Đồng lại hỏi :
- Bao giờ anh đi ?
- Anh cày sớm cho xong vụ.
Kim Đồng nói :
- Anh đừng lo. Có hội cứu quốc giúp nhà mình. Mà em cũng sẽ học cày.
Phục Quốc cười :
- Thế thì giỏi.
Rồi Tết rằm tháng bảy đến. Khi mong thì lâu, nhưng đã đến thì lại đi qua chóng quá. Cả châu Hà Quảng lặng lẽ trong cái tết. Ngày nào lính đồn, lính châu cũng tuần phòng trên đường cái. Người ta sợ, chỉ ở làng xa mới có những cô gái mặc áo chàm mới, khăn thêu, lên ngồi hát trên đồi.
Chúng nó tất bật lo đối phó với cách mạng. Đồn bốt và lô cốt đã xây đá xong hết. Đánh hơi thấy đâu đáng nghi, quan quân đi bắt ngay. Chợ Sóc Giang bây giờ vắng hẳn. Phiên nào có tin đồn Tây chặt được đầu cán bộ, sắp đem bêu chợ, không ai đi chợ phiên ấy.
Các làng âm thầm hẳn đi. Nhưng người ta càng ngày càng thì thào cách mạng đã về khắp nơi. Không còn biết bên trong mỗi làng thế nào. Rằm năm nay, xã đoàn không thu được của dân một cái bánh, một con vịt để đem lên Tết quan. Có thể vì mất mùa. Có thể các làng đã theo cách mạng. Đằng nào thì quan đồn, quan châu cũng phải làm ngơ như không biết.
Nhà Kim Đồng năm nay lại khác người, làm tết rằm thật to.
To thật đấy. Nấu hai mẻ rượu ngô, gạo làm bún đã đầy đủ, lá gai phơi từ nửa tháng trước - mọi thứ sửa soạn cho tết. Anh Phục Quốc làm thịt một lúc những năm con vịt. Lại gói mấy chục chiếc bánh nếp. Kim Đồng đoán: có khi Tết xong anh đi xa, đem cả bánh đi ăn đường. Nhà mình ăn Tết to năm nay là phải.
Kim Đồng thèm kể chuyện "anh Phục Quốc đi Nam tiến" với các bạn, muốn khoe "đường ấy dài mấy nghìn cây số, qua hết đất nước.
Hai bên đường có đồn Tây, đồn Nhật. Quân cách mạng có súng, dẹp tan hết các đồn lấy đường đi". Nhưng Kim Đồng không dám nói. Anh Phục Quốc đã dặn : giữ bí mật. Kim Đồng cố nhịn, nhưng cũng phải kể với một mình Cao Sơn.
Kim Đồng còn muốn kể cho mẹ nghe. Nhưng nghĩ mẹ thương anh đi, lại thôi. Tuy vậy, Kim Đồng cảm thấy như mẹ đã biết. Lúc ăn, mẹ cứ bảo anh ăn nhiều vào. Mọi khi, bữa có thịt, mẹ chỉ giục Kim Đồng gắp thêm. Một con vịt vừa làm canh bún, vừa cả thịt luộc mà cả nhà ăn không hết, hôm nay nhiều thịt quá.
Đêm tháng bảy, trăng suông mát rợi. Không nghe tiếng trẻ đùa ngoài đầu xóm. Các bạn trong làng đã vào hội cứu quốc, tối nào không đi học cũng đi tập hát, ít chơi nhông như trước.
Ngoài cửa sổ, có con chim sột sạt gãi mỏ trong cây bo. Đằng xa, tiếng nước thác Pò Đoi khe khẽ rơi xuống đá. Con ve kim kêu đêm trong rừng chợt rít lên rồi lắng im. Tiếng chó nhủng nhẳng làm nũng với bóng tối, tiếng trâu bồn rền rền dài ra, xa mãi. Đêm về làm cho mặt đất hình như rộng hơn ban ngày.
Mẹ và anh ngồi bên bếp. Đêm Tết, năm nào mọi người cũng ngồi thong thả như thế. Nhà ai cũng lấp ló vách lửa. Anh nói chuyện rì rầm với mẹ, Kim Đồng nghe lõm bõm... chuyện lấy vỏ dó... cái nương bông, cái khuôn tráng giấy chữa rồi... Nhà mình đã xong vụ cày.... Một chốc, Kim Đồng nghe bên cạnh lưng mình. Cao Sơn đã ngáy khò khò. Rồi Kim Đồng cũng ngủ nốt.
Không ngờ, anh đi ngay đêm ấy. Đáng lẽ Kim Đồng cũng không biết. Đã khuya, hay gần sáng, lúc ấy Kim Đồng đương ngủ say. Mẹ khẽ gọi :
- Dền, dậy con ! Anh đi rồi !
Mẹ chỉ gọi thế, Kim Đồng tỉnh ngay và ngồi lên, Kim Đồng mở mắt. ánh lửa bếp đỏ hỏn, xung quanh còn tối. Cao Sơn cũng nhỏm theo, ngơ ngác. Hai đứa thấy anh lúi húi trước bếp. Anh vẫn mặc bộ quần áo chàm cũ khi đi cày, lại đội cái mũ nồi vá. Kim Đồng không thể tưởng đi Nam tiến như thế. Sau nghĩ ra, nhớ khi nghe lỏm các anh học quân sự nói chuyện "đánh du kích, cướp súng giặc, giết giặc". Thế thì phải mặc quần áo cũ mới dễ vào đồn nó được. Có đến mấy gói to bọc lá chuối nặng kệt để ngay cạnh anh. Mẹ phải lấy thêm cái "dậu" nữa mới đựng đủ. Đấy là những gói thịt vịt và bánh nếp. Thì ra, mẹ bảo tết này làm nhiều vịt để anh mang đi. Mẹ đã biết anh đi. Chẳng đợi mình phải mách.
Anh Phục Quốc đứng dậy, ra mái, rút cái đòn gánh. Anh xách túi và "dậu" lên. Mẹ bước đến, giơ tay ấn thêm cái mũ trên đầu anh xuống cho ấm. Mẹ sợ ngoài kia trời sương lạnh. Anh ôm cả hai vai Cao sơn. Kim Đồng đương ngồi dưới sàn nhìn lên, cũng đứng lên cho anh ôm vai. Kim Đồng muốn khóc. Anh chưa đi mà đã thấy nhớ quá. Bây giờ, Kim Đồng lại không muốn để anh đi nữa.
Anh Phục Quốc nói :
- Em ở nhà cho ngoan. Cách mạng thành công thì anh về.
Nghe anh nói thế, Kim Đồng lại thấy hăng hái lên. Anh bước xuống, từng bậc thang kẽo kẹt. Bóng anh quảy đôi "dậu" mờ mờ. Tự dưng, Kim Đồng sờ tay, thấy ướt trên má từ lúc nào. Nhưng Kim Đồng mắm môi lại. Không, Kim Đồng không thích khóc. Kim Đồng nghe chân anh giẫm rào rạo trên những chiếc lá mít khô. Tiếng lạch xạch, ấy thế là anh đã ra gốc cây bo, anh đã ra tới cây bưởi. Có lẽ không phải. Chân ai đằng ấy bước lại.
Chợt nhớ Kim Đồng khẽ gọi :
- Anh Bát Ngư !
Có tiếng hú đáp khẽ. Hình như thế. Chắc anh Bát Ngư đứng đợi đấy. Hai anh lúc nào cũng đi cùng nhau. Bây giờ hai anh cùng đi Nam tiến. Như Dền, với Thàn, với Thanh Thủy, đi đâu cũng cùng đi. Hai người cùng đi...
...Con đường đi hết nước ta từ đây về phía nam, một bên là biển Đông, một bên là núi Trường Sơn, còn dài mấy nghìn cây số Đường Nam tiến đi cứu nước là con đường ấy Anh sẽ đi...
Trời vẫn sáng trăng suông. Các anh đi vào bóng trăng. Hai đứa đoán chắc có đông người đương đợi các anh ngoài kia, cùng đi.
Kim Đồng và Cao Sơn ôm cột, áp tai vào cột, nghe những tiếng động kỳ lạ, đâu đâu, tiếng thác Pò Đoi, cái cọn rền rĩ, cái cối nước giã vào trống không, tiếng hổ vờn nhau trong rừng thẳm, tiếng sao đổi ngôi rơi, tiếng chân người đi, tất cả, một lúc rập rờn đến, một lúc mênh mang xa, mặt đất ban đêm dài ra theo bước các anh, đấy là tiếng chân các anh đi.
__
1. Ngũ tự kinh: một tài liệu tuyên truyền của Việt Minh viết lối thơ năm chữ, trước Cách mạng tháng Tám 1945 rất phổ biến ở Việt Bắc và đồng bằng miền Bắc
2. Mo: thày cúng
3. Loóng: khúc gỗ rỗng ruột đặt ngoài ruộng để đập lúa ngày mùa
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK