Ba chiếc thuyền của quan phó tướng Nguyễn Hữu vinh đã được sắp đặt sẵn. Ông định giữa giờ Thân trời khá mát thì xuất hành. Trời sáng trăng, thuyền đi đêm thì càng tuyệt. Chị em Ngọc vạn vì quá nôn nao háo hức nên đã chuẩn bị xong mọi việc sớm hơn nhiều. Giữa lúc ánh mặt trời còn gay gắt, các cô đã lăng xăng kẻ xách người túi cùng với vú Minh Nguyệt và đám người hầu lên xe ngựa ra bến đò Dinh Cát. Bến đò vẫn tấp nập thương thuyền ngoại quốc ra vào như mọi ngày. Thấy có hai cỗ xe ngựa chở những người khách sang trọng đến, lũ trẻ reo lên:
- Xe quan lớn đến! Xe quan lớn đến!
Mấy người đang túc trực ở thuyền nghe thế lật đật chạy ra đón tiếp:
- Kính chào quí công nữ!
Biết đó là người của vương phủ, người nhà của quan phó tướng vồn vã chào hỏi và bưng xách giùm đồ đạc lên thuyền. vú Minh Nguyệt tươi cười hỏi:
- Chúng tôi đến sớm quá phải không?
- Thưa, Mạc mẫu và vợ chồng phò mã chưa đến nhưng anh em công tử Đình Huy lại đến lâu rồi!
Công nữ Ngọc vạn nghe như vậy ngạc nhiên hỏi:
- Các công tử nào thế?
- Dạ thưa công nữ, đó là hai anh em họ Trần, cháu gọi Mạc mẫu bằng cô ruột. Hôm nay Mạc mẫu gọi họ cùng đi chơi cho vui.
Ngọc vạn đã từng nghe Mạc mẫu có hai người cháu gọi bằng cô, người cháu lớn khá nổi tiếng về văn chương. Nàng nhớ loáng thoáng hình như chàng trai này có tên trong số những thiếu niên mà phụ vương nàng từng nhắc đến như một ứng viên để ngài kén rể. Nàng tò mò muốn gặp một lần cho biết hư thật về tiếng đồn. Ở Thuận Hóa bấy giờ hạng vương tôn công tử khá nhiều nhưng rất ít ai nổi tiếng về mặt nào. Đình Huy là người ra sao? Chàng ta cũng đi chơi trong chuyến ấy sao chị Ngọc Liên lại không nói cho chị em nàng biết trước? Dầu sao thì hôm nay nàng cũng sẽ gặp chàng, coi như một danh sĩ, đó cũng là một điều thú vị. Công nữ vừa nghĩ đến đây thì bỗng nghe một giọng thanh niên nói:
- Tiểu sinh xin kính chào quí công nữ!
Trước mặt Ngọc vạn là một thanh niên cao lớn rắn chắc, gương mặt trắng trẻo đẹp đẽ với cặp mắt nhung sáng ngời, linh hoạt khác thường. Chàng đấy ư? Theo như bọn người nhà Mạc mẫu nói thì ở đây chỉ có hai công tử họ Trần tới trước, vậy nếu không phải công tử họ Trần thì là ai? Ngọc vạn cứ e mình nghĩ không đúng. Trong đầu nàng đinh ninh Trần công tử là một thư sinh mảnh khảnh trói gà không chặt, ai ngờ chàng lại hoàn toàn tương phản thế này! Ngọc vạn nhỏ nhẹ đáp lễ:
- Chào thầy! Chắc thầy đây là Trần công tử?
- Không dám, tiểu sinh tên gọi là Trần Đình Huy.
Ngọc vạn nhìn chàng thanh niên với ánh mắt đầy thiện cảm:
- Hân hạnh được biết công tử! Công tử khiêm nhường quá. Danh tiếng của công tử ở đất Thuận Hóa này thật đã nổi như cồn!
- Công nữ quá khen làm tiểu sinh thêm thẹn! Thật ra tiểu sinh chỉ là hạng ếch ngồi đáy giếng đâu có gì đáng kể!
Đình Huy vừa chỉnh lại tấm ván bắc từ bờ sông qua thuyền cho mấy công nữ bước lên vừa liếc nhìn cô gái. Chàng ngẫm nghĩ: "Đúng là trang quốc sắc có một không hai! Hân hạnh thay cho anh chàng nào được chọn làm phò mã!"
- Chiếc thuyền này phó tướng dành cho quí công nữ. Xin cẩn thận khi bước lên kẻo trợt té! Mời quí công nữ vào trong nghỉ kẻo trời còn nắng quá.
Các công nữ đều nhìn vào chiếc thuyền nhưng không cô nào vội bước lên. Ngọc vạn hỏi Đình Huy:
- Thế Mạc mẫu và vợ chồng phò mã đi chiếc nào?
- Chiếc kia, thưa công nữ! Còn anh em tôi sẽ đi cùng thuyền với mấy chú lính. - Đình Huy vừa chỉ chiếc thuyền đậu kế cận vừa đáp.
Mọi người cùng đứng nhìn cảnh sinh hoạt tấp nập của bến đò. Khách thương ngoại quốc cũng khá nhiều, có cả ít người da trắng lẫn da đen, ăn mặc rất lạ mắt. Chỗ này chuyển hàng lên, chỗ kia đưa hàng xuống, ngựa xe lui tới rộn rịp. Công nữ Ngọc Khoa nhìn quanh một hồi rồi nói:
- Cảnh sinh hoạt ở bến đò nhộn nhịp quá. Đi buôn xa chắc vui lắm, em thấy người khách buôn nào cũng luôn tươi cười.
Nghe câu nói ngộ nghĩnh của em, Ngọc vạn nói:
- Thương nhân có cái thú được đi đây đi đó, có nhiều cơ hội tới được nhưng xứ sở xa lạ, tìm được những món hàng hiếm quí, nhưng không phải lúc nào đời họ cũng vui sướng như thế đâu! Biết bao người vì ham làm giàu ở phương xa mà bỏ bê gia đình để xảy ra chuyện tệ hại, có lúc phải ôm vàng mà khóc... Lại nữa, không phải chuyến buôn nào cũng ôm lợi về cả đâu! Nào khi tàu đắm chìm hàng, nào khi gặp giặc giã cướp bóc, nào khi đau ốm dọc đường không người thân chăm sóc, nào khi xuân về tết đến nằm nơi quán trọ thèm khát cảnh ấm cúng gia đình
, thương nhân cũng lắm lúc buồn khổ lắm chứ em.
Đình Huy nghe công nữ Ngọc vạn nói chuyện có vẻ hay hay, cũng định góp chuyện cho vui. Nhưng chàng chưa kịp mở lời thì Mạc mẫu và vợ chồng phò mã Hữu vinh đến, bèn thôi. Thế là ai nấy chuẩn bị lên đường.
Cuộc hành trình bắt đầu tương đối êm xuôi. Nhưng từ khi thuyền từ cửa việt men theo duyên hải để vào tới cửa Thuận An thì khá mệt. Dù thuận buồm xuôi gió, chỉ đoạn đường biển giữa hai cửa sông ấy, thuyền cũng đi mất hơn hai ngày hai đêm. Đến trưa ngày mười bốn thì thuyền đến địa phận Hương Phố. Phó tướng Hữu vinh cho biết thuyền sẽ ghé bến khá lâu để mọi người có thể lên chợ mua sắm thêm thức ăn, đồ đạc và một số sinh vật để thả (phóng sinh). Ai nấy đều hân hoan vì ngồi liền trên thuyền đã hơn hai ngày cũng khá chán.
Hương Phố bấy giờ được coi như một thị trấn nhỏ. Dân cư vùng này khá đông đúc, đa số sống nghề nông. Gần bến đò có một ngôi chợ khá lớn. Đây là địa điểm mà dân chúng các thôn ấp dọc hai bên sông Kim Trà thường ngày tới lui mua bán. Thỉnh thoảng thuyền buôn nước ngoài cũng ghé lại nơi này để trao đổi hàng hóa. Thuyền thường đậu cả hai bên bờ trên một đoạn sông khá dài.
Vừa bước chân ra khỏi thuyền, mọi người đều đứng sửng lại. Một tòa thuyền hoa trang trí lộng lẫy lồ lộ trước mắt họ. Tòa thuyền hoa được tạo bởi ba con thuyền lớn đặt song song, dùng dây thừng kết lại với nhau. Người ta lát ván ở mặt trên thuyền tạo thành một cái sàn hình chữ nhật khá rộng. Chung quanh sàn lại đóng một cái khung bằng gỗ. Bên trên khung căng mấy tấm vải lớn làm mui, trung tâm sàn dựng một cây gỗ cao chống giữa mui thuyền tạo thành một hình chóp có bốn mái hình tam giác. Phần dưới thì đóng một thành lan can để người trên thuyền có thể dựa vịn. Các góc cạnh trên mái đều được căng dây để treo hoa giấy nhiều màu sắc khác nhau. Khung thành cũng được căng dây để kết hoa cùng treo lồng đèn trang trí đẹp mắt vô cùng. Nhiều người địa phương, phần đông là trẻ con, đang đứng gần đó ngắm nhìn say sưa. Có hai người lính lui tới canh chừng không cho người nào lại gần thuyền quá. Trong khi mọi người đang đứng xem thì phò mã Nguyễn Hữu vinh bước đến nói chuyện với hai người lính. Sau đó, ông trở lại nói với những người cùng đi:
- Thôi, chúng ta ai muốn lên chợ thì đi, ai không thích đi thì dạo quanh bến đò, ai mệt thì trở vào thuyền nghỉ.
Ai cũng muốn lên chợ một vòng cho biết. Công nữ Ngọc Khoa tuy quay bước đi nhưng mắt vẫn không rời khỏi tòa thuyền hoa, luyến tiếc hỏi:
- Không biết đây là thuyền của ai nhỉ? Nếu chúng ta được đi chơi bằng thuyền này thì tuyệt biết mấy!
Phó tướng Nguyễn Hữu vinh cười:
- Của ai cũng như của mình, còn đó. Chợ Hương Phố cũng đẹp lắm và gần đây thôi, chúng ta có thể đi bộ được. Giờ ta hãy đi xem chợ và mua sắm cho kịp rồi chốc nữa trở lại nhìn ngắm sau cũng không muộn.
Nói rồi phó tướng đi trước và mọi người cùng theo. Họ vừa đi vừa trầm trồ bình phẩm về tòa thuyền lầu.
Đến chợ, các công nữ rảo quanh xem hàng ra vẻ thích thú lắm. Đây là lần đầu trong đời các cô bước chân vào chợ nên cái gì đối với các cô cũng lạ mắt. Dân chúng đang mua bán biết đây là những người quyền quí từ Dinh Cát đến nên đều tò mò nhìn theo họ. Ngọc Khoa thấy vậy lo sợ, hỏi:
- Chị Ngọc vạn à, sao nhiều người cứ nhìn nhìn mình, em ngại quá. Có khi nào họ tấn công mình không chị?
Ngọc vạn cười:
- Ai mà dám vuốt râu hùm chứ! Em cứ yên chí đi xem chợ cho đã con mắt. Chúng ta không dễ gì còn dịp khác để đi thế này đâu!
Ngọc Đỉnh lại nói:
- Cái gì ở đây cũng hay hay hấp dẫn cả nhưng không hiểu sao lại có cái mùi gì hơi khó chịu làm em buồn nôn chị ạ!
Ngọc vạn nói:
- Chị cũng thấy vậy, nhưng không hiểu mùi gì.
Đình Huy giải thích:
- Đó là mùi cá ươn do nước nhớt dãi từ thân cá bị khô đi bốc hơi mà gây nên. Nó thường phát sinh từ hàng cá. Quí công nữ không mấy khi đến chợ nên thấy khó chịu chứ đối với dân chúng, mùi này họ quen lắm.
Trong khi vợ chồng phò mã Hữu vinh, các công nữ và anh em Đình Huy đi xem chợ thì Mạc mẫu dẫn những người hầu tìm lựa mua các con vật sống để đem về chờ phóng sinh.
Khoảng nửa chiều thì đoàn du khách trở về thuyền. Phò mã Hữu vinh vui vẻ nói với mọi người:
- Bây giờ ai muốn đi chùa Thiên Mụ bằng chiếc thuyền hoa kia?
Mọi người nhao nhao lên:
- Ai lại không muốn chứ!
Phò mã tươi cười nói tiếp:
- Vậy, chúng ta có thể mang đồ đạc của mình sang thuyền hoa!
Mọi người đều ngạc nhiên ngỡ là phò mã nói đùa.
- Thật đấy - phò mã quay sang mấy người hầu - các người hãy chuyển đồ đạc sang thuyền hoa đi!
Khi ấy mọi người mới biết đó là thuyền hoa do phò mã cậy người lo sẵn. Ai nấy đều vui vẻ ra mặt. Sau đó phò mã tự mình lo sắp đặt cẩn thận chỗ nghỉ trên thuyền cho mọi người. Phò mã cũng phân chia đám lính và những người hầu ai lo việc nấy hẳn hòi. Ông quyết định cho thuyền khởi hành vào giờ Tuất.
Lúc gần tối, phò mã cho thắp các lồng đèn lên một loạt. Cả chiếc thuyền hoa với bao nhiêu hoa giấy đủ màu, với ánh trăng rọi xuống, với ánh lửa lập lòe trong các lồng đèn cùng ánh nước sông phản chiếu lẫn nhau, tạo thành một khối ánh sáng đẹp tuyệt vời. Dân địa phương chen chúc nhau đến xem đông lắm.
°
Phò mã dùng cả thảy hai chục người lính thay nhau chèo. Ông còn cho bọn lính dùng riêng một chiếc thuyền khác để họ chở đồ đạc và làm chỗ nghỉ. Đêm ấy trăng sáng vằng vặc, trời cao sao thưa. Thuyền đi rất thong thả, không khí trên sông mát mẻ lạ thường. Các thứ hoa hai bên bờ về đêm tỏa hương ngan ngát. Khách trên thuyền cảm thấy ngây ngất dễ chịu tưởng chừng như đang lạc vào chốn đào nguyên. Cả một dòng sông Kim Trà về đêm hình như chứa toàn mùi hương. Có lẽ đó là lý do khiến về sau người ta đổi tên nó thành ra sông Hương chăng? Người trên thuyền mặc dầu đều thức ngủ xuyên đêm nhưng ai cũng rất tỉnh táo. Trăng quá sáng, lại thêm tiếng khua động của mái chèo, làm một số chim, thú hai bên bờ ngỡ trời sáng thật, thức dậy sinh hoạt xôn xao. Tiếng gà rừng gáy, tiếng sóc kêu, tiếng vượn hú hai bên bờ tạo một âm thanh chan hòa nghe thật vui tai... Thình lình Đình vụ kêu lớn:
- Anh Huy này, giống ông voi đang uống nước kia kìa!
Mọi người đều nhìn theo tay chỉ của vụ. Đó là một khối đá lớn đen thùi lùi nằm sát bờ có hình dạng như một con voi đang cúi đầu xuống nước thật. Ngọc vạn nói:
- Tảng đá lớn đó chứ voi gì mà voi!
Mạc mẫu hoảng hốt xuýt xoa:
- Các cháu đừng nói mấy tiếng đó, không nên, phải gọi là "mệ" mới được. Đây là giang sơn của các "bọ" các "mệ", các cháu phải biết nhập gia tùy tục đáo giang tùy khúc. Nếu không biết kiêng cữ tai vạ có thể đến liền. Cháu phải nhớ nghe không vụ?
Rồi Mạc mẫu lầm thầm khấn:
- Lạy các "bọ" các "mệ", các cháu trẻ người non dạ lỡ lời xúc phạm xin các "bọ" các "mệ" bỏ qua cho.
Đình vụ nghe cô nói thì sợ im thin thít. Quan phó tướng lặng lẽ mỉm cười. Những người khác đều có vẻ ngạc nhiên vì những lời của Mạc mẫu. Không dằn được tính tò mò, Ngọc vạn nói:
- Xin phu nhân nói rõ cái gì là "mệ" cái gì là "bọ" cho chúng cháu biết với!
Mạc mẫu ra vẻ bất đắc dĩ phải giải thích:
- Những người đi rừng lúc nào cũng phải biết thân phận nhỏ nhoi của mình. Họ tuyệt đối tôn trọng luật rừng, cần cái gì cũng phải van vái xin được mới lấy, không bao giờ dám tham lam lấy cắp. Dù gặp của quí như trầm hương, quế chi, cũng chỉ lấy vừa phải, không được ham hố lấy nhiều. Nếu bất tuân, thần rừng sẽ phạt như lấy lại của bằng cách xui khiến bệnh hoạn, đôi khi nặng lắm thì hại đến tính mạng. Ngoài ra, người đi rừng phải tôn trọng những vị thay mặt thần rừng để cai quản muôn vật, đó là các vị mà ta gọi là "bọ" và "mệ". "Bọ" là cái ngài trông giống loài mèo nhưng to lớn và khỏe hơn mèo vạn lần. Ngài "bọ" có thể bắt bất cứ loại thú nào, có khi bắt cả người nữa, giống như mèo bắt chuột để ăn thịt vậy. Ngài "bọ" cũng có thể vật ngã một con trâu lớn hơn ngài nhiều và dùng vuốt móc yết hầu làm con trâu chết tức khắc. Người đời còn gọi các "bọ" là ông "hùm", ông "ba mươi" chứ không dám gọi tên thật. Còn "mệ" là cái ngài lớn hơn cả những con trâu lớn nhất, có sức mạnh vô cùng. Các "mệ" có thể dùng vòi vít trúc gốc những cây rất lớn trong rừng. Gặp cây gốc quá cứng, các "mệ" cùng nhau xuống suối dùng vòi hút lấy nước đem lên tưới gốc cho đất mềm ra rồi dùng vòi vít cành. Các "mệ"đã muốn vít thì cây lớn tới mức nào rồi cũng phải đổ. Xúc phạm đến các "bọ" các "mệ" để các "bọ" các "mệ" giận lên thì coi như rồi đời...
Ngọc vạn chăm chú nghe có vẻ lý thú. Đình Huy cũng gật gật cười cười. Đình vụ thấy cô không còn làm nghiêm với mình nữa thì thưa:
- Bây giờ thả rùa thả cá xuống nước được chưa cô?
Phò mã Hữu vinh thay mẹ trả lời:
- Chưa được đâu. Mình phải đợi đến chùa Thiên Mụ thuyền cập gần bờ mới nên thả. Cá, rùa đều đã bị nhốt nhiều ngày rất yếu sức, nếu thả xuống nước sâu dễ bị đồng loại ở sẵn nơi đây tấn công, chúng sẽ không đủ sức chịu nổi.
- Thế thả chim được chưa?
- Cũng chưa nên. Đợi trời sáng hẳn đã. Thả bây giờ ra ngoài trời chúng có thể yếu sức chưa bay xa được, lại nhá nhem đậu nhằm những chỗ không an toàn, dễ bị loài chim dữ rất sáng mắt như chim cú, chim cắt hoặc chồn chuột làm hại chúng mất.
Đình Huy nói đùa:
- Bây giờ tất cả thú rừng ở vùng này hẳn ngạc nhiên khi thấy một khối sáng khổng lồ đang lù lù đi ngược giòng sông. Chắc chúng thắc mắc hỏi nhau cái khối gì mà đẹp đến thế nhỉ?
Ngọc vạn nói:
- Có con sẽ nói đây là một ngôi sao trên trời rơi xuống!
Phò mã Hữu vinh nghe thế cũng cười đùa:
- Nhưng một con thú thông minh nhất sẽ trả lời: "Cái khối ấy sở dĩ sáng đẹp như thế là nhờ trên đó hiện có một nàng tiên và một thiên thần!"
Đình vụ ngây thơ nói:
- Phải rồi, đối với các giống thú thì người mình là tiên, là thiên thần hết thảy!
Phò mã cười lớn:
- Em chưa thể hiểu về chuyện tiên thần đâu! Em có biết nàng tiên và vị thiên thần trên thuyền hiện giờ là ai không? Phải đợi khi em lớn như anh Đình Huy rồi hãy bàn chuyện này phải không Đình Huy?
Phò mã nói xong lại nhìn Đình Huy mà cười. Mạc mẫu nghe thấy như thế cũng hội ý cười thầm. Nhưng những người khác thì có vẻ ngơ ngác dường như không hiểu.
Thuyền đi thêm một lúc nữa thì trời chớm bình minh, cây cối hai bên bờ dần dần hiện rõ hình. Đình vụ sung sướng không cần hỏi ai nữa, tự động lôi mấy lồng chim ra. Mọi người không ai kêu ai cũng đồng tình bắt chước Đình vụ. Ngọc vạn là người đầu tiên mở cửa lồng, thò tay bắt con chim sáo bên trong để đứng trên bàn tay mình rồi hất tung lên:
- Mày yêu thiên nhiên thì hãy trở về với thiên nhiên!
Con chim sáo bay vút lên trời phút chốc sau thì mất dạng.
Mọi người đều lần lượt theo nhau làm như thế. Có vài con có lẽ khựng cánh bay không nổi phải đậu tạm nhiều chỗ. Chỉ một chốc, gần bốn chục con chim lớn nhỏ thuộc nhiều giống đã trở về với thiên nhiên sau một thời gian bị giam cầm...
Cho đến nửa buổi sáng ngày rằm thì thuyền gần đến chùa Thiên Mụ. Lúc bấy giờ cả hai bờ đoạn sông ấy còn lau lách cây cỏ rậm rạp quá. Lại nhằm vào ngày lễ vu Lan nên dân chúng về chùa dự lễ bằng thuyền cũng khá nhiều. Những chỗ thuyền có thể cập bờ để người lên bộ đã có thuyền dân choán hết. Thuyền hoa của phó tướng quá lớn, lại không muốn phiền dân nên ông phải cho tạm neo một nơi không có lối lên. Người trên thuyền sẽ được chiếc thuyền chở lính đưa lên bờ sau. Trong khi chờ đợi, ngoại trừ Mạc mẫu và vợ chồng quan phó tướng, mọi người bắt đầu lấy mấy giỏ cá ra thả. Thay vì có thể nghiêng thùng cho để trút cá xuống sông, ai cũng muốn tự tay bắt ra từng con để thả, để tìm cái cảm giác, cái hứng thú của kẻ phóng sinh. Quả thật đây là một trò giải trí đầy công đức. Nhiều con cá vừa được thả xuống nước liền quẫy đuôi một cái là lặn mất tiêu. Nhưng có con khi thả xuống còn đứng ngẩn ngơ một hồi lâu như luyến tiếc rồi mới từ từ bơi đi...
Chiếc thuyền chở lính cập bến để những người lính lên bờ trước. Họ chia nhau tuần hành canh chừng các hướng các nẻo. Tiếp đó, thuyền trở lại đón những người trong thuyền hoa. Mạc mẫu nói với mọi người:
- Bây giờ ta và vợ chồng phò mã cần lên bờ trước để sắp xếp việc vào chùa. Các người cứ thong thả làm việc phóng sinh. Chốc nữa, ai muốn vào lễ Phật thì vào lễ, ai không vào thì cứ dạo quanh ngoạn cảnh chờ chúng ta. Nhưng nên nhớ, đây là vùng đất thiêng, phải giữ gìn cẩn thận từng lời ăn tiếng nói đấy!
Mọi người đều vâng dạ rồi tiếp tục việc phóng sinh. Thả hết cá thì tới thả ếch. Những con ếch người ta đã dùng dây cột ngang eo, vừa mở dây ra để xuống ván thuyền là các chú phóng mất dạng liền.
Sau cùng thì mọi người xúm lại thả giỏ rùa, lớn nhỏ cả thảy năm con. Giống rùa cử động, di chuyển chậm chạp, thường sống những nơi rậm rạp, ẩm ướt. Tuy thế, rùa cũng có thể bơi lặn dưới nước dễ dàng. Rùa có sức mạnh, chịu đựng dẻo dai, nhịn đói giỏi. Những khi gặp nguy, rùa chỉ biết tự vệ bằng cách rụt đầu vào trong cái mai cứng của mình và nằm yên như một cục đá. Bởi thế, các giống thú ăn thịt không làm gì rùa được. Nhưng nếu gặp phải con người, trừ trường hợp dưới nước, rùa thường bị bắt rất dễ dàng. Chỉ cần hất ngược cho rùa nằm ngửa ra là coi như xong, rùa sẽ nằm chỏng bốn chân chới với tại chỗ. Cái mai của rùa tuy cứng nhưng phần ngoài rìa của cái mai thường mềm và giòn, nhất là phần sau. Người ta có thể dùng một cái gì hơi cứng, như que củi nhọn chẳng hạn, là có thể đâm thủng rìa mai được. Khi bắt được rùa, người ta không cần trói chân trói cổ mà chỉ dùng một sợi dây xâu qua lỗ thủng đó là buộc giữ được rùa. Ta có thể cầm sợi dây đó để xách rùa lên hay buộc vào chỗ nào tùy ý. Muốn thả rùa, chỉ cần để nó nằm ngửa rồi mở sợi dây buộc phần sau mai rùa ra, lật lại cho nó nằm sấp tự nhiên nó sẽ tự tìm đường thoát thân. Nếu ta không lật, rùa sẽ cử động bốn chân quay mình một hồi rồi cũng tự lật được. Bốn con rùa được đem ra trước, sau khi được mở dây xong và lật sấp lại là vội vàng bò đi trong nháy mắt bất cứ về phía nào, ra khỏi ván thuyền là nó nhào xuống nước. Đến con cuối cùng, không hiểu sao sau khi mở dây và lật sấp lại, nó vẫn thu đầu đứng yên một chỗ. Công nữ Ngọc vạn thấy vậy đưa tay rờ rẫm vào lưng rùa:
- Chúng ta đã tha cho mi trở về với đầm hồ đồng ruộng sao mi không chịu đi?
Con rùa vẫn đứng yên, cái đầu lúc này chỉ hơi thập thò. Ngọc vạn tiếp tục vuốt ve con vật:
- Hay mi bị bệnh chăng?
Đình Huy nãy giờ vẫn đứng nhìn Ngọc vạn thả rùa, thấy thế cảnh giác:
- Công nữ coi chừng kẻo nó cắn! Tôi nghe nói nó cắn thì dữ dội lắm đó!
Nhưng Đình Huy nói chưa hết lời thì Ngọc vạn bất thần hét lên đau đớn. Ai nấy đều hoảng hốt xúm lại. Con rùa đang ngậm cứng ngón tay giữa ở bàn tay phải của Ngọc vạn. Ngọc Khoa, Ngọc Đỉnh đều đứng trố mắt nhìn, mặt mày tái mét. Bà vú Minh Nguyệt cũng không biết xử trí như thế nào. Đình Huy bất giác quên cả kiêng dè, liền sấn tới gần Ngọc vạn, một tay cầm lấy thân con rùa nâng lên, tay còn lại nắm bàn tay bị rùa cắn giúp nàng lôi ngón tay ra. Nhưng Ngọc vạn không rút được ngón tay mà lại càng kêu rên thảm thiết. Bất đắc dĩ, Đình Huy phải bóp cổ con rùa để mong nó nhả. Nhưng con rùa vẫn ngậm cứng cái vật nó đã bắt được. Ngọc vạn càng vặn mình vật vã vì quá đau đớn. Một anh lính già cầm một cái dao sắc chạy lại nói:
- Xin lỗi công nữ, chỉ có cách này may ra cứu được ngón tay công nữ! Công tử hãy kéo dài cái cổ nó ra!
- Ráng chịu đau! Công nữ hãy ráng chịu đau! - Đình Huy nói với Ngọc vạn.
Ngọc vạn đau đớn quá càng hét lên và bất giác nàng ngã vào người Đình Huy. Đình Huy liền căng cổ con rùa ra thêm. Người lính nhanh nhẹn đưa dao cắt xoẹt một cái. Thế là chỉ còn cái đầu rùa dính tòn teng trên ngón tay Ngọc vạn. Nàng rút tay lại vừa rên vừa thổi. Đình Huy bảo vú Minh Nguyệt kiếm cho chàng một con dao nhỏ. Chàng cầm bàn tay Ngọc vạn, khéo léo xẻ từng chút cái cổ con rùa cho đến khi công nữ lấy được cái ngón tay rướm máu nhầy nhụa bọt nhớt ra...
Người lính già cắt đầu con rùa nhìn nàng công nữ vẫn còn xuýt xoa trong tay chàng trai đẹp đẽ rắn rỏi ấy, cố ghìm lại một nụ cười, nói hài hước:
- Thế là ai nấy đều tạo được phước trong hôm nay, ai cũng phóng sinh, riêng tôi lại mang tội lớn một mình - tội sát sinh! Không biết rồi công nữ có thưởng công cho tôi không đây?
Nhiều người hội ý cùng cười với người lính. vú Minh Nguyệt cũng cười, nói:
- Ông đừng lo, nếu công nữ có quên tôi nhắc cho!
Công nữ Ngọc vạn cũng hiểu những lời nói qua nói lại ý nhị đó, nàng nhẹ rút tay khỏi tay Đình Huy, quay sang nói lãng với vú Minh Nguyệt:
- Vú kiếm thuốc cho con mau đi!
Sau khi rửa thật sạch sẽ ngón tay cho công nữ, vú Minh Nguyệt bèn lấy thuốc rịt ngón tay ấy lại cho nàng. Nhưng ngón tay nàng cứ sưng dần lên làm nàng phải cầm nó vừa thổi vừa rên. Bận bịu vì chuyện đó nên rồi mọi người chỉ dạo quanh ngắm cảnh sơ lược bên ngoài chứ chẳng ai vào chùa cả.
Mạc mẫu cùng vợ chồng quan phó tướng sau khi lễ Phật xin xăm xong, đợi sốt ruột không thấy ai trong toán Ngọc vạn vào chùa bèn trở xuống thuyền. Khi nghe biết mọi sự việc xảy ra, Mạc mẫu cầm tay Ngọc vạn xem xét:
- Chắc nhức nhối lắm hả, công nữ ráng chịu khó đi. Phải về nhà mời thầy tới cho thuốc mới chóng đỡ được.
Mạc mẫu quay lại nói với mọi người:
- Ngày phóng sinh mà cũng phải sát sinh, đáng tiếc! Đây cũng là một cái điềm không hay. Thôi, chúng ta sửa soạn ra về!
Ai nấy đều ngạc nhiên vì quyết định của Mạc mẫu. Phò mã hỏi:
- Chúng ta không thể đi điện Hòn Chén nữa hả mẹ?
- Thôi, không nên đi nữa. Người ta nói gặp mã thì đi, gặp qui thì về mà! Công nữ bị rùa cắn tức là chúng ta gặp qui rồi, đi nữa không tốt đâu. Lại nữa, nếu không về lo thuốc men kịp cho công nữ, lỡ ngón tay làm độc thì càng khốn.
Thấy mọi người có vẻ không hài lòng, Mạc mẫu nói tiếp:
- Vẫn biết từ đây lên điện Hòn Chén không còn bao xa, nhưng chẳng lẽ lên tới nơi trở về liền? Đã lên thì phải vào xin lễ, rồi lại phải đi quanh ngoạn cảnh, trong khi đó có một người đang chịu đau đớn phải ráng chờ đợi, phỏng có nên không? Rồi nếu ngón tay công nữ xảy ra thế nào thì ta biết ăn nói sao với nhà chúa?
Thế là phò mã cho thuyền quay trở về. Ai nấy đều tiếc rẻ một cuộc du ngoạn không tới nơi tới chốn như dự tính.
Khi thuyền về đến Hương Phố, phò mã Hữu vinh bèn nhờ cai đội Lê Dư hỏi mướn xe ngựa để Mạc mẫu và các công nữ về Dinh Cát trước bằng đường bộ. vợ chồng ông và anh em Đình Huy thì tiếp tục về bằng đường thủy.
°
Chị em Ngọc vạn về thủ phủ sớm hơn sự dự tính ba ngày. vương phi đang dạo vườn bỗng thấy các con vào, bà ngạc nhiên hỏi:
- Sao các con về sớm thế? Ngoạn cảnh chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén thấy thế nào kể cho mẹ nghe với!
Ngọc Đỉnh nhanh nhẩu cười đáp:
- Gặp mã thì đi gặp qui thì về thưa mẹ!
Vương phi cười hỏi lại:
- Con muốn nói gì mẹ không hiểu?
. Chị Ngọc vạn bị rùa cắn suýt đứt ngón tay nên Mạc mẫu bắt trở về sớm, vì thế chúng con không đi viếng điện Hòn Chén được mẹ ạ!
Vương phi liền kêu Ngọc vạn đến hỏi chuyện đã xảy ra thế nào. vú Minh Nguyệt bèn tường thuật đầu đuôi cho vương phi nghe. vương phi cầm tay Ngọc vạn coi kỹ thấy không đến nỗi nào thì cười nói:
- Tội nghiệp con bé của mẹ, đây là lần đầu tiên trong đời mẹ thấy chuyện rùa cắn. Hay là con có duyên số chi với chàng họ Trần kia chăng? Khi người con gái đi lấy chồng gọi là vu qui, nay con bị qui cắn phải chăng là điềm con sắp vu qui?
Ngọc vạn tuy đang tuổi dậy thì, xinh đẹp nhưng thường rất nghiêm nghị, ít nói ít cười, không thích nói đến chuyện đàn ông. Lâu nay vương phi vẫn muốn tìm được một đối tượng xứng đôi vừa lứa để nàng trao thân gởi phận. Bà vẫn theo dõi để ý trong đám thiếu niên con cháu các quan viên văn võ nhưng chưa thấy ai trọn vẹn cả tài lẫn nết như gã Đình Huy này. Giờ lợi dụng việc ấy, phi bèn thử ướm ý con gái xem sao. Ngọc vạn e thẹn nói:
- Con bị con vật cắn đau nhức chưa hết thế này sao mẹ lại nỡ đùa con?
Vương phi cười:
. Thì con lên mười bảy tuổi rồi cũng lo kiếm nơi kiếm chốn chứ còn đợi gì nữa? Theo mẹ nghĩ, chỗ ấy cũng xứng đáng lắm chớ!
Ngọc Khoa nói chêm vào:
- Phải đấy mẹ, chàng ấy đẹp như một thiên thần mẹ ạ!
Vương phi cười hỏi Ngọc vạn:
- Trần công tử đẹp trai lắm hả con?
Ngọc vạn sực nhớ đến câu nói đùa của phò mã Hữu vinh khi đi trên thuyền hoa "Cái khối ấy sở dĩ sáng đẹp như thế là nhờ trên đó hiện có một nàng tiên và một thiên thần!". vậy nếu chàng là thiên thần thì nàng tiên là ai? Nàng đỏ bừng mặt nguýt em:
- Em không nên nói xằng như thế!
Vương phi cười rồi quay sang nói với vú Minh Nguyệt:
- Vú hãy mời Tống đại phu sang coi vết thương cho cháu nhé!
Thật sự vết thương ở ngón tay công nữ Ngọc vạn không có gì đáng kể. Nó có đau nhức một chút, nhưng giống rùa vốn không có độc và cũng không đủ sức làm thương tổn đến xương cho nên chỉ rịt thuốc sơ không bao lâu thì lành hẳn.
Nhưng vết thương ngón tay của công nữ lành thì vết thương lòng của công nữ lại chớm phát. Những lời nói đùa gợi ý của vương phi đã thật sự đánh động được tâm lý của Ngọc vạn. Hình ảnh chàng thư sinh họ Trần vừa có vẻ hào hoa phong nhã vừa có vẻ mã thượng phong trần đã gây một cơn gió lạ thổi vào tâm hồn nàng. Mẹ nàng nói có lý: Con người đó rất xứng đáng để nàng trao thân gởi phận. Trong số vương tôn công tử tại triều không ai hơn chàng được. và nàng bắt đầu tơ tưởng...
°
Sau chuyến du ngoạn ở chùa Thiên Mụ về, Đình Huy cũng đâm ra mất ăn mất ngủ. Sắc đẹp huyền hoặc của nàng công nữ liên tục ám ảnh tâm trí chàng. Cả tiếng khóc, tiếng thét của nàng cũng như trở thành những âm vang tha thiết réo gọi tự con tim người con gái mới lớn. Lần đầu tiên trong đời, Đình Huy cảm thấy trong người chàng đang nẩy sinh một nhu cầu mới vượt xa những nhu cầu hiện tại. Dường như gương mặt ngây thơ dịu hiền, giọng nói tiếng khóc thê thiết mà ngọt ngào êm ái của nàng công nữ... lúc nào cũng mơ hồ vang vọng bên tai chàng.
Trần Đình Huy tuy còn trẻ nhưng đã khá nổi danh về học vấn, giới tai mắt ở Thuận Hóa đều nghe biết. Thân phụ chàng là ông Trần Cửu Lang đã mất ở Đàng Ngoài trước khi anh em chàng vào sống ở xứ Đàng Trong. Dòng dõi Trần Cửu Lang vốn theo nghề võ đã nhiều đời nổi tiếng với những miếng võ gia truyền bí hiểm. Người ta không hiểu sao đến đời ông, ông lại không truyền võ cho con ông và bắt con ông phải chuyển sang học văn. Chính bản thân ông Cửu Lang cũng xin về vườn rất sớm giữa khi con đường công danh binh nghiệp của ông đang lên phơi phới. về sau, khi ông Cửu Lang bị đầu độc chết một cách đột ngột, anh em Trần Đình Huy được thầy đồ Bảo Ninh đùm bọc dạy dỗ rồi lén đưa vào Thuận Hóa ở với Mạc mẫu. Thầy đồ Bảo Ninh tên thật là gì cũng chẳng mấy ai biết, nghe ông tự xưng Bảo Ninh thì người ta cũng gọi như thế thôi. Có điều chắc chắn thầy là người học thức rộng, có tư cách, ai cũng nể trọng. Từ lúc vào Thuận Hóa thầy vẫn sống bằng nghề gõ đầu trẻ. Tiếng gõ đầu trẻ chỉ dùng theo thói quen, thật ra hồi bấy giờ có rất nhiều anh học trò đã có vợ con đàng hoàng vẫn cắp sách đến trường. Thời kỳ các chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong, nhà nước không mở trường công lập. Các thầy đồ tùy khả năng được tự do mở các trường tư ở nơi nào thuận tiện. Nhà nước chỉ việc tổ chức các khoa thi để tuyển chọn nhân tài. Thầy Bảo Ninh chỉ mới qua đời hơn một năm nay.
Mạc mẫu tức Trần Thị là chị ruột của ông Cửu Lang. Bà là vợ ông Mạc Cảnh Huống, một danh thần của nhà Lê, vì thế người ta quen gọi bà là Mạc mẫu. Khi Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng được lệnh vào trấn thủ đất Thuận Hóa, ông Huống là một trong những người đầu tiên đã tình nguyện đem cả gia quyến đi theo. Ông giúp chúa Nguyễn lập được nhiều công lao nên sau này được chúa Nguyễn ban cho quốc tính. Con ông là Mạc Cảnh vinh được đổi thành Nguyễn Hữu vinh, từng đánh Chiêm Thành lập công lớn, được phong chức phó tướng. Sau Hữu vinh được chúa Sãi thương yêu đem con gái là Ngọc Liên gả cho. Do đó, gia đình Mạc mẫu càng gắn bó với gia đình nhà chúa.
Đình Huy không những nổi về văn chương chữ nghĩa mà còn nổi về đức tính khiêm tốn, khoan hòa nên được nhiều người mến mộ... Nhiều nhà quyền quí muốn gả con cho Đình Huy nhưng chàng đều mượn cớ chưa có công danh sự nghiệp nên chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Lúc nào chàng cũng ra vẻ rất hồn nhiên, vô tư khiến cho người cô đâm ra sốt ruột. vì thế, trong những ngày gần đây, sự đổi thay tâm tính đột ngột của chàng đã khiến Mạc mẫu chú ý. Bà nói:
- Cô thấy cháu thời gian này thay đổi tâm tính hơi nhiều đó! Có gì cứ nói cô lo cho, con phải lòng công nữ Ngọc vạn rồi phải không?
Đình Huy không giấu giếm, thưa:
- Dạ phải, từ khi gặp nàng, cháu cảm thấy như không thể quên nàng được nữa...
Mạc mẫu cười hiền từ nhìn cháu, nói:
- Đó chỉ là chuyện thế gian thường tình, có gì đâu mà ngại. Cô sẽ lo cho cháu. Theo cô nghĩ, công nữ Ngọc vạn muốn chọn một người bạn đời cũng khó lắm chứ! Ở đây mấy ai xứng đáng với nàng hơn cháu được? Nhà chúa và vương phi vốn tính rất bình dân. Nhà ta lại có ân tình lâu đời với nhà chúa, cô hi vọng ước nguyện của cháu sẽ thành đạt.
Mạc mẫu lạc quan như vậy cũng đúng thôi. Chồng bà là công thần của chúa Nguyễn, bà đang là sui gia với nhà chúa, tình nghĩa hai nhà rất mật thiết với nhau. Mạc mẫu là hạng người hiểu biết, ăn ở phải đạo nên vương phi rất cảm mến. Bình thường vương phi vẫn hay mời bà vào cung chuyện trò, tâm sự này nọ rất tương đắc.
Đối với Đình Huy, Mạc mẫu hết sức thương yêu và rất hãnh diện vì chàng. Dòng dõi bà từ xưa vẫn nổi danh trong giới côn quyền đoạt cờ chém tướng ngoài mặt trận như chơi cầu. Nhưng tính bà lại hiền từ, mềm mỏng, không ưa bạo lực. Những cuộc đấu đá, đâm chém, những vụ trả thù dai dẳng truyền đời trong võ giới đã làm bà vô cùng sợ hãi, chán ngán. việc hai đứa cháu yêu của bà đã rời khỏi võ giới và Đình Huy lại trở thành một danh sĩ làm cho bà hết sức thỏa mãn.
Lâu nay Mạc mẫu vẫn muốn lo cho Đình Huy yên bề gia thất nhưng thấy dò hỏi đám nào chàng cũng lắc đầu, vì thương cháu bà không dám ép. Giờ đây, thấy Đình Huy nghĩ tới nàng công nữ ấy, bà tán thành ngay.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK