• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mùa xuân. Những hạt mưa nhỏ nhẹ, bay la đà đậu cả lên khăn chiến, lên vai áo chẽn của binh lính. Vạn hộ hầu Nạp Tốc Lạt Đinh giơ cao lá cờ lệnh. Từ chỗ đứng, viên tướng Nguyên có thể nhìn thấy các đội quân Hán, Ô Man, Thát Đát... đang chiếm lĩnh các vị trí xuất quân trong trận đánh quyết định sắp tới. Cuộc Nam chinh thế là đã bắt đầu hơn một tháng rồi.

Nạp Tốc Lạt Đinh chỉ huy một mũi phụ tiến từ nước Đại Lý cũ vào tây bắc nước Đại Việt. Mũi tiến công này dùng cốt lõi là một nghìn quân kị mã Thát Đát cưỡi những con ngựa Đại Lý thấp nhỏ nhưng bền sức và vó chắc quen thuộc đường rừng, nhưng lực lượng rộng rãi gồm hơn một vạn quân Hán và quân Ô Man đánh bộ ở vùng rừng núi rất giỏi.

Nạp Tốc Lạt Đinh dẫn đội quân kị từ hành doanh của Đại nguyên soái Thoát Hoan về đây. Y đã được dự bàn kế tấn công vào nước Đại Việt với tư cách là một tướng chỉ huy một mũi. Nạp Tốc Lạt Đinh đang say sưa với niềm khát vọng cuồng nhiệt và y tin chắc sẽ được dự phần công lớn. Đại nguyên soái Thoát Hoan thật là một tướng giỏi tuy tuổi trẻ mà vẫn xứng đáng dòng dõi danh tướng. Đại nguyên soái đã vạch ra một kế hoạch tấn công kì diệu bằng bốn mũi:

- Mũi tấn công mé tây bắc nước Việt, Nạp Tốc Lạt Đinh được vinh dự làm tướng. Mũi này nhằm buộc quân Việt phải chia ra thụ địch ở nhiều hướng.

- Mũi tấn công từ mé Chiêm Thành đánh úp vào sau lưng nước Việt. Mũi này do Nguyên soái Toa Đô làm tướng.

- Mũi tấn công bằng cả thuỷ lẫn bộ vào phía đông nước Đại Việt. Mũi này dùng nhiều quân Hán tuyển chọn ở Quảng Đông, Phúc Kiến, dùng cả bọn cướp biển mới quy hàng. Tướng mũi tấn công này là viên tướng Hán là Vạn hộ hầu Lý Bang Hiến.

- Đại nguyên soái Trấn Nam vương Thoát Hoan và Binh chương A Lý Hải Nha chỉ huy đạo quân chính đánh vào phía bắc nước Việt. Thực ra, linh hồn của đạo quân này chính là Phó Nguyên soái A Lý Hải Nha. Mà thực ra gã này cũng chính là bộ não của cả đạo quân Nam chinh nhà Đại Nguyên.

Năm mươi vạn cả lính lẫn phu là một đội quân cực mạnh. So với thời Đại Hãn đội quân này không nhanh bằng nhưng có sức bền tiến hàng năm xa đất gốc và có đủ chiến cụ để vượt qua các luỹ, vượt qua những dòng sông phương nam mùa nào cũng mênh mông, đủ sức và đủ phương tiện để tiến hành đánh các thành trì đắp đất hoặc xây gạch. Một đội quân với trình độ tổ chức cao, có đủ binh phù ấn tín, có phương tiện thông tin bằng ngựa, bằng thuyền, bằng hiệu cờ, hiệu đèn, hiệu khói lửa. Lại thêm có cốt lõi là kị binh Thát Đát và thuỷ binh hải tặc cũ ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến.

Nạp Tốc Lạt Đinh đã nửa đời chinh chiến, ăn ngủ trên lưng ngựa nhưng chưa lần nào y thấy say sưa như lần này. Ôi cái nước Việt như trong truyện thần tiên, một năm ba mùa lúa chín, cá đầy sông hồ biển suối, ngọc trai, trầm hương, sừng tê, vàng vớt lên từ suối, ngọc lấy từ bờ khe mà con gái thì đẹp như tiên, dệt những tấm lụa mặc vào người rồi mà vẫn tưởng cởi trần...

Phía trước mặt Nạp Tốc Lạt Đinh là một đạo quân Việt quen thuộc rừng núi do một tướng nghe đâu là một bậc thân vương thao lược của nước Việt chỉ huy: Trần Nhật Duật. Những tên do thám sừng sỏ lão luyện của triều Nguyên đã đánh giá về viên tướng Việt này như sau: Một tướng giỏi, thận trọng nhưng vô cùng gan dạ. Và rất thông minh, quả là rất thông minh. Nạp Tốc Lạt Đinh đã lập mẹo để bắt sống bằng được viên tướng đó. Trần Nhật Duật có tám nghìn quân sơn cước, một lực lượng xấp xỉ với đội quân của y nhưng viên tướng Việt đã phải chia một nửa số quân ấy sang tiếp sức cho mé đông bắc rồi. Quân Việt không mắc mẹo chia quân thụ địch nhiều hướng mà còn tập trung cho chiến trường chính. Nhưng như thế lại có lợi cho Nạp Tốc Lạt Đinh. Y đã sai thám mã giỏi đi dò xét quân Việt. Xem khói nấu cơm, xem bụi bốc ở chỗ đóng quân người Việt, bọn thám mã đoán chắc quân của Trần Nhật Duật không quá bốn nghìn người. Nạp Tốc Lạt Đinh liền cho quân kị chọc sâu vào sau lưng quân Việt để chẹn hậu. Trong khi đó y đánh cầm chừng ở mặt chính. Căn cứ vào tính nết của viên tướng Việt, Nạp Tốc Lạt Đinh phán đoán quân Việt sẽ ngoan cường giữ vững mặt trận và như vậy khi vòng vây khép hậu, Nạp Tốc Lạt Đinh sẽ bắt sống tướng đối phương, làm tròn tướng mệnh cho mũi tấn công tây bắc của y.

Nạp Tốc Lạt Đinh nhớ tới lời giao hẹn của Đại nguyên soái Thoát Hoan: tướng mũi nào làm tròn tướng mệnh cũng được tính công đầu! Nạp Tốc Lạt Đinh đinh ninh y sẽ lập công đầu lần này, tên ghi sách vàng, phong hầu một phiên trấn, trở thành ông vua con ở Vân Nam.

Những đội quân Hán, Ô Man, Thát Đát dùng mọi thủ đoạn để tỏ ra ít và yếu. Chúng dùng một số quân rất nhỏ tiến ban ngày để mở đường còn quân chủ lực cứ xế chiều mới ra đi. Nạp Tốc Lạt Đinh còn sai người đốt lửa ở các mỏm núi cao để nghi binh làm như quân Nguyên vẫn đóng lại chưa dám tiến. Kì thực thế trận bao vây đã mau chóng hình thành.

Theo mẹo của y, quân Nguyên sẽ mở cuộc tấn công lớn vào mờ sáng ngày mai, dồn quân Việt xuống đáy cái túi đã có quân kị mã thiện chiến chực sẵn đánh lối cất vó. Nạp Tốc Lạt Đinh lên ngựa. Đội hộ vệ của y cũng lên ngựa. Đoàn người ngựa xuống núi đi về phía nam.

Xa xa, phía quân Việt, những làn khói nấu cơm vẫn bốc lên. Nạp Tốc Lạt Đinh cười nhạt. Bọn ấy đâu biết được diệu kế của y, Vạn hộ hầu, danh tướng nhà Đại Nguyên!

Nạp Tốc Lạt Đinh vẫn tính vừa quá cao vừa quá thấp lực lượng của đối phương. Theo tính toán của Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn, mặt tây bắc rừng núi rậm rạp hiểm trở, đường lương thảo rất khó vận chuyển, giặc có kéo sang cũng chỉ là mũi nghi binh. Trần Quốc Tuấn đã tập trung binh lực nhằm đánh mòn địch ở mặt trận đông bắc. Ông nhận định: mặt trận này mới là mặt trận chính. Nhưng Trần Quốc Tuấn đã đặt một cánh quân mạnh ở Đà Giang và Tam Đái Giang. Cánh quân này do Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc chỉ huy sẽ tiến qua mặt trận của Trần Nhật Duật chọc thẳng vào sau lưng địch, hình thành thế địch đánh ta vào sâu đất ta, ta lại tiến quân đánh vào sâu đất địch, phá mưu của Thoát Hoan. Phá cái mưu đem cuộc chiến vào đất ta bằng cách đem cuộc chiến vào giữa đất địch. Cánh quân của Trần Ích Tắc có viên phó tướng là Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng nguyên giữ chức trấn thủ lộ Tam Đái Giang. Toàn bộ cánh quân được lệnh ém kín trong rừng. Vì vậy ở lộ Quy Hoá, Trần Nhật Duật chỉ giữ có hai nghìn quân, dùng toàn binh khí nhẹ để tiện di chuyển chiến đấu ở vùng rừng núi. Ông đã được giao tướng mệnh: Đánh kiềm chế nếu giặc tiến quân cả mặt này. Nếu chúng không sang mũi này thì đem dân binh sang quấy rối vùng sau lưng địch ở mạn đông bắc làm bức tường dựa cho cánh quân của Trần Ích Tắc sẽ đánh sâu vào trong đất địch.

Chính lúc này, trên một mỏm núi cao, Trần Nhật Duật cũng đang quan sát thế trận và nghiền ngẫm mẹo phá giặc. Ông cũng đang băn khoăn về cánh quân của Trần Ích Tắc không hiểu vì lí do gì mà chậm trễ chưa tiến quân qua. Trần Nhật Duật còn nhớ hôm xuất sư. Hôm ấy sau khi tiệc Diên Hồng kết thúc, hai vua và triều đình long trọng tiễn các bô lão ra bến Đông để trở về các lộ. Ngay lúc đó, Quốc công làm lễ tế cờ xuất sư. Chiêu Văn vương dẫn quân bản bộ lên đường đi Quy Hoá. Đêm đó ông đóng quân nghỉ trên một vùng bãi sa bồi bên bờ sông Nguyệt Đức. Đằng sau trại đêm của ông là trại đêm của Trung Thành vương và Hoài Văn hầu. Nửa đêm hôm đó, hịch của Quốc công Tiết chế được truyền đi. Trên sông Nguyệt Đức thăm thẳm hùng vĩ, đoàn thuyền truyền hịch từ sông Thiên Đức tiến sang đốt đuốc dăng hàng dọc như một con rồng lửa. Hai ven sông, quân lính và trăm họ trang trọng đứng im lặng nghe loa truyền hịch.

“... ngó thấy sứ nguỵ đi lại đường sá nghênh ngang...”

Hà! Trần Nhật Duật thừa hiểu thế nào là sứ giặc đi lại đường sá nghênh ngang... Nhưng quân thù đâu phải chỉ là mấy tên sứ thần hỗn hào láo xược mặc dù chúng đã làm ông và các tướng triều đình lắm phen căm gan tím ruột. Quân thù thực sự, nguồn gốc bạo lực, kiêu hãnh và hung hãn của chúng là binh là tướng hiếu sát tàn ác, đến lúc này mới nhe nanh giương vuốt xuất đầu lộ diện. Hịch của Quốc công nhắc nhở mọi người ghi nhớ mối thù không đội trời chung và ghi nhớ cả nỗi nhục sâu xa.

Trần Nhật Duật mường tượng vẻ mặt nhân hậu của Quốc công khi nghe tiếp lời hịch:

“...Ra trận cùng nhau sống chết, ở nhà cùng nhau nói cười.”

Đấy! Đấy chính là lẽ keo sơn trong đạo quân phụ tử của nước Việt, chính là sức mạnh tất thắng của đạo quân ấy. Khi hịch truyền xong, binh tướng trong đạo quân của ông và của các trại đêm bên cạnh cùng hăm hở xăm lên bắp tay lên bả vai những chữ: “Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc”. Vì nghĩa quên thân là đền ơn nước. Ý nghĩa thật sâu xa.

Mờ sáng hôm sau, Trần Nhật Duật dẫn quân lên đường. Ông gặp Quốc công Tiết chế xuôi thuyền về hành trung doanh Vạn Kiếp. Trần Quốc Tuấn cho thuyền nhỏ đón ông lên chơi trên thuyền tướng. Ông nói:

- Anh trưởng cứ yên tâm, em quyết làm tròn tướng mệnh.

Trần Quốc Tuấn cầm tay ông, trầm ngâm giờ lâu. Quốc công vốn yêu mến và tin tưởng tài đức của Trần Nhật Duật, nhưng lần này là một thử thách cực kì to lớn cho nên cẩn trọng bao nhiêu đi nữa cũng không phải là thừa. Trần Quốc Tuấn dặn ông:

- Chúng ta chỉ có một con đường là quyết thắng. Lẽ ấy gắn bó đến sự tồn vong của đất nước ta. Con đường chiến thắng ấy không phải ít gian nan nguy hiểm. Chúng ta phải vượt qua những cửa quan cực kì khó khăn.

- Anh trưởng thương em mà dặn dò, em xin gìn giữ lời căn dặn của anh trưởng. Cửa quan nào em cũng quyết vượt qua.

- Ta tin là em sẽ làm được nên mới sai em giữ mặt tây bắc. Người ta thường nghĩ mặt trận này không quan trọng nhưng thực ra phải do một tướng có bản lĩnh trấn giữ. Bởi vì nó là một mặt trận riêng biệt, ai trấn mặt này sẽ phải quyết định một mình việc đánh, giữ, tiến, lùi. - Trần Quốc Tuấn ngừng lại một lát, trầm lặng nhìn Trần Nhật Duật trước khi nói tiếp: - Em còn nhớ không, đã có một lần anh em ta bàn chuyện ở Thăng Long về bản lĩnh của một người anh hùng. Điều chúng ta đã bàn hôm ấy chính là điều em sẽ gặp ở mặt trận Quy Hoá. Trong tất cả các cửa quan thì cửa quan khó đánh chiếm nhất chính lại là cửa quan do mình trấn giữ. Ta chỉ thấy có điều ấy cần phải nhắc với em. Thôi ta tạm biệt em. Chúc em đem cờ bách thắng cắm lên vọng lâu các cửa quan.

Trần Nhật Duật đã từ biệt Quốc công để lên đường. Chiến tranh đã xảy ra ngót một tháng nay. Tết Nguyên Đán đầu tiên xa nhà trong cuộc đời đã gây cho ông nhiều cảm xúc. Binh đao đã xảy ra trên đất nước nhưng ở mặt trận này cũng chỉ có vài cuộc chạm giáo lớn giữa đôi bên. Giặc tiến rất chậm mặc dù quân giặc đông gấp đôi gấp ba. Chúng hành binh đờ đẫn như kẻ mất hồn lạc vía. Nhưng chúng không thể lừa dối được đôi mắt quan sát bình tĩnh của ông được. Chúng đang có một mẹo sâu hiểm độc, điều ấy đến nay đã rõ ràng. Lắm lúc ông muốn sai sứ sang hành doanh của Nạp Tốc Lạt Đinh để bảo cho viên Vạn hộ hầu này biết rằng hắn đừng hòng lừa ông và chính hắn đang bị ông lừa, đang bị ông giam chân ở mặt trận này ngót một tháng nay rồi. Nhưng cuối cùng sau khi suy xét kĩ, ông lại sực nhớ đến cửa quan bản thân cực kì khó chiếm và ông thôi ngay hành động xốc nổi này. Ngót một tháng trời hai bên vờn nhau như bướm vờn hoa. Có lúc giặc làm như sắp tấn công rồi chúng lại thôi. Có lúc ông cũng trương cờ, đốt khói nghi binh làm như sắp tiến hoặc sắp rút rồi cũng thôi. Nạp Tốc Lạt Đinh đã dùng đủ các mẹo nhưng không chọc tức được ông và cũng không doạ được ông. Trần Nhật Duật với cánh quân sơn cước ít hơn vẫn chập chờn trước phòng tuyến của giặc. Hơn thế nữa chỉ bằng vài di chuyển nhỏ những đội quân nhỏ ở hai chót cánh, Trần Nhật Duật đã buộc Nạp Tốc Lạt Đinh phải vội vã chuyển quân ứng phó, để lộ ra nhiều kẽ hở. Đó thật là những thời cơ thuận tiện để tiến như một mũi dùi vào sâu trong phòng tuyến giặc vào sâu trong đất giặc nữa. Giá mà đức ông Chiêu Quốc có mặt kịp như tướng mệnh giao nhỉ? Thế là thế giằng co đành chỉ vẫn là thế giằng co.

Nhưng đến hôm nay, quân thám mã của Trần Nhật Duật đem về hành doanh mấy tin tức đáng lưu tâm. Trước hết đội kị binh của địch không thấy xuất hiện đã hai hôm nay. Chúng ở đâu bây giờ? Quân kị là lực lượng con cưng mà giặc thường dùng để đánh những mũi thọc sâu vào sau lưng đối phương. Không thấy tung tích đội quân Nguyên cưỡi ngựa thì phải đề phòng phía sau lưng chiến tuyến. Tin đáng lưu ý nữa là địch mới tăng thêm một vạn quân Tân Phụ nữa. Quân Tân Phụ là quân Nam Tống đầu hàng Hốt Tất Liệt mới đây. Chúng đều là người quê mé nam núi Ngũ Lĩnh. Chúng giỏi trèo núi và chịu được khí hậu nóng ẩm của đất Việt. Có nhiều đưa biết bơi biết lội dễ dàng chiến đấu hợp với miền đất sông ngòi chằng chịt.

Trần Nhật Duật nhận định là giặc sắp mở cuộc tấn công lớn ở đây để tiếp tay cho cuộc tấn công của tướng giặc Thoát Hoan ở chiến trường đông bắc. Tin tức từ chiến trường đông bắc đưa về rất đáng lo ngại. Thế mạnh nghiêng về phía địch. Quân của chúng đông hơn và đã quen chiến đấu. Tướng địch có nhiều kinh nghiệm chỉ huy những đạo quân đông được trang bị nhiều loại binh khí và chiến cụ nặng. Trong nhiều trận đánh đã xảy ra, quân ta rất anh dũng nhưng cuối cùng vẫn tổn thất nặng hơn và phải lùi. Ở cực bắc, Trần Bình Trọng đem hai quân Thánh Dực cùng với dân binh lộ Lạng Giang chặn địch rất tài cốt để chờ cơ hội khi cánh quân của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc chọc sâu ra sau lưng địch thì sẽ tung quân ra đập tan mũi chính diện này. Nhưng chờ mãi không thấy Trần Ích Tắc tấn công, giặc có thời gian hình thành thế bao vây. Điểm gay cấn nhất là ải Khả Ly. Hai quân Thánh Dực bị hãm trong vòng vây dày tưởng như không thoát nổi một mống. Trần Bình Trọng ráng chờ đến lúc biết không còn hi vọng mũi tấn công của Chiêu Quốc vương nữa mới tổ chức phá vây. Một đêm, vào lúc canh ba, quân ta dưới sự chỉ huy của Bảo Nghĩa hầu mở đường máu: Trận đánh dữ dội nhưng nhờ đêm tối, nhờ ý chí quyết tử, Trần Bình Trọng đem được hai quân Thánh Dực ra khỏi vòng vây với đầy đủ binh khí, cờ hiệu và cả dàn trống đồng nữa.

Hiện nay chiến tuyến đã lùi về tới sông Lục Đầu. Mỗi bên dàn mấy chục vạn quân trên một vùng sông núi hiểm trở chen lẫn những cánh đồng nhỏ và những bãi cỏ hoang. Trần Quốc Tuấn đặt một vọng khói lửa trên đỉnh Côn Sơn để chỉ huy chung cho toàn chiến trường và để báo tin tức về hai vua ở Thăng Long. Vọng khói lửa đặt ngay trên Bàn Cờ Tiên, điểm cao nhất của dãy Côn Sơn. Nhưng Trần Nhật Duật hiểu rằng ở thế đất ấy, quân thuỷ của ta xoay xở dễ dàng nhưng quân cưỡi ngựa của địch sẽ tung hoành như vào chỗ trống. Không lẽ một bậc trí lự như Quốc công Tiết chế lại tiếp nhận chiến đấu ở một thế đất như vậy? Trần Nhật Duật đã băn khoăn suy nghĩ mấy hôm liền. Thế chiến trường Lục Đầu và Quy Hoá cũng tương tự như nhau. Thật đáng tiếc là cánh quân ém ở lộ Tam Đái cứ im lìm không động tĩnh. Đột nhiên Trần Nhật Duật hiểu rằng Trần Quốc Tuấn cũng đang ở một hoàn cảnh tâm lí tương tự như hoàn cảnh tâm lí của ông.

Giặc đông hơn, quen chiến đấu hơn. Tướng giặc đã trải nhiều năm chinh chiến, có kinh nghiệm chỉ huy những đạo quân lớn đánh phối hợp với nhau. Quân tướng bên ta có trí, có dũng nhưng binh lửa mới xảy ra, những sơ xuất do thiếu kinh nghiệm có ở tất cả các cấp. Những sơ xuất ấy đã dẫn đến mấy trận thua vì ngờ nghệch. Tính đến bây giờ, hai bên đều có trận thắng trận thua nhưng quân ta thường thắng những trận mà quân tham chiến của mỗi bên chừng vài ba ngàn, còn những trận lớn một vài vạn quân phần thắng thường về phía địch.

Thế chiến trường như vậy, điều tốt nhất là quân ta phải cậy đến một ông tướng đặc biệt: Ông tướng thời gian! Phải tránh việc dốc túi đánh một nước bạc quyết liệt. Phải nhờ thời gian đem những kinh nghiệm thao lược cần thiết đến cho các tướng. Ai là người dám hạ một mệnh lệnh như thế bây giờ? Người ấy phải là một ông tướng dũng cảm trí lự. Phải hiểu mình, hiểu địch và dũng cảm rút ra những điều cần thiết phải làm để giành lấy thắng lợi cuối cùng.

Trần Nhật Duật đến lúc này mới hiểu thấu đáo cái vinh dự của ông đã được Quốc công tin cậy giao cho quyền làm tướng cầm quân độc lập ở mặt trận riêng biệt. Quốc công đã chọn ông, đã dặn dò ông về cái cửa quan bản thân cực kì khó đánh chiếm ấy.

Khi Trần Nhật Duật đang suy nghĩ sâu xa về mình, về địch như thế là lúc ông đang đứng trên một đài quan sát chiến trường đặt trên một mỏm núi đá rất cao. Hành doanh của ông đã thu gọn dần trong một tháng chiến đấu di động vừa qua để bây giờ chỉ còn là một số tướng tá rất ít, có võ khí cốt để lúc cần thiết cũng chiến đấu được như một người lính chiến bình thường. Ai nấy mang lấy quần áo thay đổi và mười ngày lương khô chứa trong những bao ruột tượng vắt ngay cổ ngựa chiến. Bây giờ đã xế trưa, núi rừng sau mấy đợt mưa xuân đang nhuận sắc. Màu xanh cây lá màu mây trắng bạc đều đẹp và mọng ướt. Núi rừng yên ả.

Núi rừng yên ả báo hiệu giông tố sắp đến.

Thế rồi, trong một khắc tin tức đưa về hành doanh hết sức liên tiếp và đáng lo ngại. Giặc đánh một lúc ở mười mấy chỗ. Ở đâu chúng cũng tập trung được quân đông hơn và giành phần thắng tuy không rõ rệt cho lắm. Quân ta phải bỏ trận lùi về mặc dù đã giao chiến rất gan dạ và dũng mãnh. Trần Nhật Duật phán đoán địch chỉ mới dứ ở các điểm đó còn thì đại bộ phận quân tinh nhuệ của giặc sẽ tập trung đánh chiếm con đường huyết mạch từ Quy Hoá về xuôi. Giặc sẽ dồn quân ta lùi dần theo con đường ấy đến cái đáy túi mà chúng đã bày sẵn: đội kị binh giặc vu hồi mai phục sau lưng quân ta. Trần Nhật Duật tin rằng đội quân kị binh ấy bây giờ đang ở đâu đó phía kia. Ông nhìn về hậu tuyến. Nhưng ông chỉ thấy màu rừng cây mùa xuân xanh rợn. Không thấy một vẩn khói nấu cơm bốc lên, không thấy bụi do chuyển quân bốc lên. Nhưng không thể vì thế mà quên rằng kẻ địch thiện chiến và thâm hiểm.

Trần Nhật Duật đã quyết định xong một mệnh lệnh. Ông rất buồn vì phải hạ mệnh lệnh đó: Rút lui.

Trần Nhật Duật thấy mình không may mắn phải chọi giáo với một tướng giặc không danh tiếng. Ông cũng không được chỉ huy cánh quân sẵn sàng chọc ra sau lưng giặc. Ấy thế mà bây giờ ông lại phải hạ mệnh lệnh rút lui vì tên tướng vô danh tiểu tốt kia có một đạo quân đông hơn và xét cho thấu đáo, nó thật là một tướng giỏi và thao lược

Trần Nhật Duật nhìn các tướng để chọn người đi truyền lệnh cho các đội quân. Tướng quân Hà Đặc theo ông đã lâu, đã hiểu tâm tính ông. Thấy Trần Nhật Duật đưa mắt nhìn các tướng, Hà Đặc liền xốc kiếm bước lên một bước đứng chờ nhận lệnh nhưng Trần Nhật Duật mỉm cười. Ông không chọn Hà Đặc vì Đặc là một tướng cường. Hà Đặc nhận lệnh xung trận thì làm được nhưng không thể là người truyền đạt một mệnh lệnh rút lui. Cuộc chiến còn dài. Ông sẽ còn dịp dạy viên tướng cường này biết lùi để biết thắng và trước hết phải thắng được chính mình. Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng. Hà Đặc sẽ hiểu điều đó sau...

Trần Nhật Duật chọn một tướng xưa nay rất có kỉ luật. Ông thảo lệnh rút lui và trao một cờ lệnh nhỏ cho viên tướng đó, ông cũng ra lệnh cho hành doanh và đội hộ vệ tuỳ tùng thu xếp lên đường.

Sẩm tối, các đơn vị quân Việt bí mật bỏ mặt trận về xuôi. Các tướng Hà Đặc, Hà Chương và Triệu Trung đem một nghìn quân sơn cước rẽ tạt vào rừng sâu với một mệnh lệnh rất gọn: Để quân giặc tiến qua rồi bám đường cái đánh úp lương thảo và bắt bọn địch đi lẻ.

Mờ sáng hôm sau, quân Nguyên tấn công, Nạp Tốc Lạt Đinh sai cắm lều trận dạ đen lót đỏ trên một bãi rộng. Y sai giáp sĩ canh phòng thật oai vệ hùng dũng. Trong lều trận, Nạp Tốc Lạt Đinh sai bày sẵn hai cái ghế. Một cái lót da báo: đó là cái ghế Vạn Hộ hầu của hắn. Chiếc kia phủ nệm gấm, chiếc ghế dành cho viên tướng Việt sẽ bị bắt và dẫn đến để hắn đích thân dụ dỗ.

Mặt trời lên, quân tế tác đem tin về rất nhanh đến hành doanh quân Nguyên: các mặt tiến quân đều không đụng độ quân Việt. Đến giữa trưa có tin quân Ô Man đã hội sư với đám quân Hán và quân Tân Phụ, rồi sau đó với đội kị binh Thát Đát. Các đội kị binh này chính là cái đội bọc hậu, hoặc nói khác đi là cái đáy túi bao vây. Thế mà vẫn không đụng độ với quân Việt. Quả đấm sắt mà Nạp Tốc Lạt Đinh rình đánh bấy lâu đã giáng rất vô duyên vào không khí. Ngót một tháng trời vờn, nhử vất vả đã trở thành vô ích.

Nạp Tốc Lạt Đinh là một tướng giỏi. Y hiểu rằng viên tướng đối phương đã kìm chân được hắn một tháng trời và đánh thắng trận kiềm chế đó. Y cũng hiểu rằng nếu tướng đối phương thắng thì mặc nhiên y là người thua. Mà nếu đối phương dùng một đạo kì binh thọc sâu ra sau lưng y thì y còn thua to hơn. Nhưng y không hiểu rằng y thua vì cửa quan đầu tiên y đã không đánh chiếm được, thậm chí y cũng không biết rằng có cái loại cửa quan ấy nữa.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK