Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tháng năm năm Kỷ Mùi [1], thứ phi Lê thị (Phỉ Thúy) sinh hoàng tử đầu lòng. vua Minh Tôn mừng lắm, đặt tên cho hoàng tử là vượng, tên hiệu là Thiên Kiến. Cũng năm ấy, vào tháng mười một, một bà phi khác lại sinh một hoàng tử nữa, vua đặt tên là Nguyên Trác.

Tháng ba năm Canh Thân [2], Thượng hoàng băng ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, hưởng thọ 45 tuổi. Đến tháng chạp cùng năm thì an táng vào Thái Lăng ở núi Yên Sinh, miếu hiệu là Anh Tôn, thụy hiệu Hiển văn Duệ vũ Khâm Minh Nhân Hiếu Hoàng Đế.

Sang tháng chạp năm Tân Dậu [3], một bà phi khác nữa, cũng họ Lê [4], lại sinh ra hoàng tử Phủ.

Nhân ngày ăn mừng đầy tháng của hoàng tử Phủ, Chiêu văn đại vương Nhật Duật nói với vua Minh Tôn:

- Trần triều ta vẫn có lệ vua cha truyền ngôi cho con ngay khi ngài còn sống rồi vua cha vua con cùng lo việc trị nước. Đó là cách xác lập tư cách chính thức thừa kế cho vua con. Ngoài ra, đó còn là cách huấn luyện thuần thục việc trị nước cho vua con trước khi vua cha qua đời. Nay Thượng hoàng đã qui tiên, Quan-gia đã có ba hoàng tử, dù chưa đủ lớn để có thể cùng lo việc, thiết tưởng cũng nên chọn một người để lập ngôi trừ quân [5], phòng khi bất trắc, thiên hạ có chỗ để hướng về.

Vua Minh Tôn nói:

- Tằng tổ phụ [6] dạy chí phải. Chỉ ngại cả ba hoàng tử đều còn quá nhỏ, tài đức chưa lộ rõ, tằng tôn [7] chưa dám lựa chọn, sợ lỡ việc sau này phải ân hận. Xin tạm hoãn hoãn một thời gian nữa hãy tính việc đó.

Sau đó mấy ngày Khắc Chung lại tổ chức tiệc mừng được ban tước Quan nội hầu tại tư dinh. Trong tiệc mừng này, Khắc Chung đã mời một số đại thần đến dự, nhưng Chiêu văn đại vương Nhật Duật và Huệ Vũ đại vương Quốc Chẩn đều cáo lỗi vắng mặt.

Sau một hồi chén ngài chén tôi, không hiểu rượu thịt đã trợ hứng sao đó, có người lại lôi việc lập ngôi trừ quân ra bàn. Một vị nói:

- Chiêu Văn đại vương khuyên hoàng thượng lập tự là phải đấy chứ! Hoàng thượng hiếm mọn thì không nói làm gì. Nay chỉ mới mấy năm hoàng thượng đã có liên tiếp ba hoàng tử, ngôi trừ quân càng để muộn lại càng khó định chứ chẳng phải chơi đâu!

Một vị khác nói:

- Đó là việc riêng của hoàng gia, vua có hỏi thì nói, không hỏi thì thôi. Tự nhiên quan anh lại xâm lo chuyện đâu đâu làm gì để rước lấy sự phiền não vào mình? Quan anh có biết Chiêu Văn đại vương khuyên vua Minh Tôn lập ngôi trừ quân mà Huệ Vũ đại vương lộ vẻ bực tức lắm không?

Văn Hiến hầu Trần Đa nghe được liền nối giận nói:

- Cha ta làm quan đã trải qua bốn triều, lập biết bao nhiêu công trạng! Người vì muốn giữ cơ nghiệp nhà Trần được vững bền mới có lời khuyên vua như thế. Huệ vũ là người có trách nhiệm và thân cận với vua, đáng lẽ ông ấy phải đề xướng việc ấy trước ai hết mới phải. Cha ta khuyên vua như thế có gì sai mà Huệ vũ phải tức giận?

Khắc Chung nghe vậy liền nói với văn Hiến hầu:

- Tôi nghĩ vua không chịu nghe Tá Thánh thái sư lập ngôi trừ quân cũng là do ý Huệ vũ cả. Hiện thánh thượng đã có ba hoàng tử mà không chịu lập ngôi trừ quân thật là bất lợi. Dù là con dòng thứ cũng nên lập để phòng hờ mới phải. vua chưa lập chánh hậu thì biết bao giờ mới có đích tử? Trường hợp chánh hậu không sinh được đích tử thì sao? việc chậm lập ngôi trừ quân sẽ làm các đại thần chia rẽ, đầu óc họ sẽ nẩy sinh tư tưởng lựa chọn một trong ba hoàng tử để tôn phò trong tương lai. Hoàng tử vượng lớn nhất trong các hoàng tử, không những thông minh lại nhân hậu, xứng đáng ở ngôi vị trừ quân lắm chứ! Chúng ta thử trình bày điều hơn lẽ thiệt với hoàng thượng và xin lập hoàng tử vượng xem được không?

Văn Hiến hầu lắc đầu nói:

- Hoàng tử vượng lớn tuổi nhất trong các hoàng tử, lập ngôi trừ quân là thuận đấy. Nhưng hoàng thượng không nghe đâu! Khi Huệ vũ chết rồi thì may ra! Ông không thấy cái ngôi hoàng hậu vẫn để trống đó sao? Tôi nghĩ Huệ vũ đang chờ khi con lão lên làm hoàng hậu đẻ ra mới chịu lập đấy!

- Thế bây giờ ân hầu nghĩ nên làm thế nào?

- Làm thế nào được khi chúng ta nói mà thánh thượng không chịu nghe?

° ° °

Hồi còn sống, Thượng hoàng Anh Tôn rất yêu quí, tin tưởng Quốc Chẩn. Khi truyền ngôi cho vua Minh Tôn, Thượng hoàng đã ân cần gởi gắm con mình cho Quốc Chẩn. Để thắt chặt tình thân giữa hai chú cháu, Thượng hoàng dặn vua Minh Tôn phải dành riêng ngôi chánh hậu cho con gái của Quốc Chẩn.

Có một lần Thượng hoàng bị ốm nhiều ngày, vua Minh Tôn lo sợ phải ngủ ngay trước cửa phòng Thượng hoàng để tiện việc vấn an. Thế nhưng Thượng hoàng không chịu cho vua Minh Tôn vào thăm một mình. Mỗi lần vua muốn vào thăm, phải đi cùng Huệ vũ đại vương Thượng hoàng mới chịu. Đó cũng là do ý Thượng hoàng muốn tạo tình nghĩa vua tôi được khắng khít, không còn nghi ngại gì nữa.

Vì thế, vua Minh Tôn rất kính trọng và tin tưởng Quốc Chẩn. Mọi việc trong triều vua vẫn hay quyết định theo lời Quốc Chẩn bàn.

Mãi đến năm Quí Hợi [8], vua Minh Tôn mới lập Huy Thánh công chúa là con gái trưởng của Quốc Chẩn làm Lệ Thánh hoàng hậu như ước hẹn của Thượng hoàng.

Tháng tư năm Giáp Tí [9], vua lại phong Quốc Chẩn làm Quốc phụ thượng tể. văn Hiến hầu và những người cùng cánh lại càng ganh ghét Quốc Chẩn, họ càng tìm cách triệt hạ ông.

Huệ vũ đại vương Quốc Chẩn vốn là người chân chất nhưng cố chấp, lại quá tự tin. Ông từng đánh Chiêm Thành lập được chiến công lừng lẫy, được nhiều tướng sĩ nể phục. Trong triều, ông là chú ruột vua và cũng là cha của hoàng hậu. Ông lại được chính Tiên đế Anh Tôn ủy thác phò tá vua Minh Tôn. vì vậy, ông biết có nhiều người trong triều không ưa ông nhưng không thèm đề phòng. Thậm chí ông cũng không để ý đến một số thuộc hạ của mình dựa thế hống hách gây ra thêm nhiều vụ mích lòng.

Trở về chuyện Chiêu văn đại vương Nhật Duật, ông bản tánh hòa nhã, độ lượng, rất ít khi sử dụng quyền uy. vì thế những người kém hiểu biết đâm ra coi thường ông. Trong nhà không bao giờ chứa roi vọt để đánh nô lệ. Nếu có đánh thì cũng kể tội rành mạch rồi mới đánh. Chiêu văn đại vương rất ít quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt.

Ngày kia, một tên gia đồng đang giữ thuyền cho ông bị một tên gia đồng của Huệ vũ đánh, có người đến mách với ông, ông hỏi: "Có chết không?". Người đó trả lời: "Chỉ bị thương thôi". Ông nói: "Không chết thì thôi, mách làm gì?".

Một lần khác, có người kiện gia tì của ông với Huệ vũ vương, Huệ vũ sai gia đồng tới bắt. Tên gia tỳ sợ chạy vào trong phủ, bọn đi bắt đuổi đến nhà giữa, bắt trói ầm ỹ. Phu nhân khóc lóc nói với ông: "Ân chúa là Tể tướng, Huệ vũ cũng Tể tướng, vì ân chúa nhân từ, nhu nhược, nên người ta mới coi khinh đến nước này!". Nhật Duật vẫn ung dung sai người nói với kẻ gia tì "Mày cứ ra đi, ở đâu cũng đều có phép nước".

Những việc đó Chiêu văn đại vương coi như không có, nhưng văn Hiến hầu lại giận lắm. Hầu vẫn hay nói với các quan: "Huệ vũ hay ỷ thân ỷ thế làm những việc đáng ghét lắm. Phụ thân ta là em ruột Tổ phụ của y. Thế mà Huệ Vũ không biết nể nang chút nào! Thật là vô lễ".

Mối hiềm khích giữa hai nhà đã nảy nở từ những chuyện nhỏ nhặt đó.

° ° °

Tháng bảy năm Bính Dần [10], vua thăng chức Thiếu bảo cho Trần Khắc Chung. Ông vẫn làm việc Hành khiển nhưng kiêm nhiệm thêm việc dạy hoàng tử vượng học.

Khắc Chung rất vui mừng nhận thêm nhiệm vụ mới. Lúc bấy giờ hoàng hậu Lệ Thánh vẫn chưa có con trai nên Khắc Chung cảm thấy tương lai hoàng tử vượng càng có nhiều hứa hẹn. Ông đã ra sức đào tạo cho hoàng tử vượng thành một con người tuyệt hảo. Hoàng tử vốn thông minh sẵn, lại biết chịu khó, nên học hành mau tiến khác thường. Khi vua Minh Tôn kiểm tra bài vở, ngài đã chưng hửng về sự tiến bộ của con. Thử đi thử lại mấy lần, kết quả đều như vậy, ngài rất hài lòng, tự nhủ: "vượng có thể trở thành một thánh chúa lắm!".

Mấy tháng sau ngài cho mời Khắc Chung đến dò hỏi:

- Khanh thấy hoàng tử vượng thế nào?

Khắc Chung thưa:

- Có lòng nhân, mềm mỏng khéo léo, về trí tuệ thì hoàng tử là một thần đồng.

Vua hỏi tiếp:

- Như vậy là vượng đủ tài đức để trở thành một thánh chúa?

Khắc Chung ra bộ suy nghĩ rồi thưa:

- Bệ hạ đã hỏi, thần xin nói thẳng, xin bệ hạ chớ chấp. Nếu thần nhận xét không lầm thì hoàng tử có tướng đại quí. Còn nhỏ mà hoàng tử đã tỏ ra có độ lượng, đã thông minh hơn người lại hết sức siêng năng cần cù học hỏi. Tài đức như vậy khó có người theo kịp! Đáng tiếc là hoàng tử không được sinh vào dòng đích cho muôn dân nhờ!

Vua Minh Tôn mỉm cười:

- Thiếu bảo không nói quá lời chứ? Khá khen cho Thiếu bảo đã khéo dạy dỗ hoàng tử học hành kết quả. Trẫm sẽ có ban thưởng cho Thiếu bảo.

Từ đó, vua Minh Tôn chú tâm vun đắp cho hoàng tử vượng đặc biệt hơn các hoàng tử khác.

° ° °

Mùa hạ năm Đinh Mão [11], tháng năm, đã xảy ra vụ sét đánh vào lăng tẩm. Sau hôm sét đánh ấy, vua hạ chiếu cho các quan họp bàn việc này ở Nội nhân văn cục. Trong giờ giải lao, Khắc Chung nói đùa:

- Cũng chỉ tại rượu mà ra cả. Cái anh Thiên lôi quá chén đã làm khổ chúng ta…

Nghe giọng Khắc Chung không được nghiêm chỉnh, Hành khiển Đoàn Nhữ Hài liền đứng dậy bỏ đi chỗ khác. Khắc Chung tiếp tục nói:

- Thiên lôi thường chỉ đánh ma quỉ, đánh kẻ có tội chứ có đánh người thiện bao giờ? Liệt thánh đều là bậc thánh quân làm sao ma quỉ dám đến gần chỗ yên nghỉ của các ngài? vậy là gã Thiên lôi này đánh lầm chỗ rồi. Khi say người ta thường rất dễ lầm. Như đi nghỉ lầm giường…

Khắc Chung chưa hết lời mọi người đã cười vang.

Tới buổi chầu, quan ngự sử Phạm Mại đem việc đó ra đàn hặc Khắc Chung:

- Bàn về chuyện lăng tẩm bị phạm là một việc tôn nghiêm, thế mà Khắc Chung dám đem thánh thần ra đùa giỡn làm trò cười, không thể tha thứ được. Xin thánh thượng phán quyết!

Vua Minh Tôn bèn xuống chiếu phạt cả Khắc Chung lẫn Đoàn Nhữ Hài. Nhữ Hài không thỏa mãn, bèn cãi:

- Lúc cười đùa thì thần đã đi rồi, sao lại phạt thần?

Vua nói:

- Nhữ Hài nghe biết là đùa cợt mà không ngăn, lại bỏ đi, thế là cố ý hãm mọi người vào tội lỗi mà tính kế tránh lỗi cho mình.

Rốt cuộc Nhữ Hài vẫn bị phạt. Nhữ Hài chỉ còn biết lắc đầu mà cười.

Khắc Chung từ khi dạy hoàng tử vượng, lòng mến mộ vị hoàng tử này ngày càng tăng. Ông càng quyết tâm giúp hoàng tử vượng đoạt cho được ngôi báu trong tương lai. Qua những lần nói chuyện với vua Minh Tôn, ông thấy ngài cũng đặc biệt hướng về hoàng tử. Ông càng mừng hơn khi thấy hoàng hậu Lệ Thánh tới giờ vẫn chưa có dấu hiệu gì về con cái. Thế rồi trong buối chầu ông tâu với vua:

- việc này trước đây Tá Thánh thái sư đã nói rồi, nay thần xin lập lại. Trần triều ta từ khi lập quốc, vẫn có lệ vua cha luôn truyền ngôi cho vua con ngay khi ngài còn sống để lên làm Thái thượng hoàng. Cả Thái thượng hoàng lẫn vua con cùng nhau điều hành việc nước. Đó cũng là một cách tập sự cho vị ấu vương cai trị dân thuần thục trước khi vua cha băng. Phương sách này cũng giúp hoàng gia và triều đình tránh được sự lúng túng trong trường hợp vị vua đang cai trị qua đời bất ngờ. Nay Thượng hoàng băng đã hơn bảy năm, bệ hạ cũng đã có nhiều vị hoàng tử thông minh dĩnh ngộ, thế mà bệ hạ chưa lập ngôi trừ quân, thần e bệ hạ sẽ mang tiếng đã làm trái ý liệt thánh mất.

Thấy lập luận của Khắc Chung chính xác, hợp thời, nên nhiều vị đại thần cũng lên tiếng ủng hộ. Nhưng liền đó, Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn đứng ra phản đối:

- việc lập ngôi trừ quân chậm trễ không thể qui trách cho Quan gia được. Đây là chủ ý do Tiên đế vạch sẵn cho Quan gia thực hành. Tiên đế khi truyền ngôi đã có ước hẹn với Quan gia rằng ngôi hoàng hậu chỉ dành riêng cho Huy Thánh công chúa. Lúc ấy công chúa còn quá nhỏ nên chưa lập được. vì thế Quan gia đã chỉ lập các thứ phi mà tạm để trống ngôi hoàng hậu. Như vậy rõ ràng ý của Tiên đế muốn giữ việc truyền nối cho dòng đích. Nay ngôi hoàng hậu đã lập, hãy đợi hoàng hậu sinh hoàng tử xong lập ngôi trừ quân cũng không muộn. Nếu bây giờ lấy dòng thứ lập ngôi trừ quân, nay mai hoàng hậu lại sinh hoàng tử, lúc ấy biết tính sao? Có phải gây khó khăn cho triều đình không?

Ý kiến của Quốc phụ cũng được nhiều đại thần ủng hộ:

- Đúng, đúng. Thánh thượng tuân theo ý nguyện của Tiên đế là đúng quá đi chứ!

Nhưng văn Hiến hầu Trần Đa lại phản bác:

- Quốc phụ nói như vậy cũng có lý nhưng không phải hoàn toàn đúng. Liệt thánh dùng phương sách hai vua đồng trị là để tránh những rắc rối khi có tai biến bất ngờ xảy ra. Dù ý của Tiên đế chỉ muốn giữ việc truyền nối cho dòng đích, nhưng nếu dòng đích không có thì làm sao? Hoàng hậu ở ngôi cũng hơn bốn năm rồi mà vẫn chưa sinh, biết bao giờ hoàng hậu sinh mà chờ? Xưa nay dòng thứ kế thống đại nghiệp đâu có hiếm? Thiết nghĩ, dẫu muốn tuân thủ ý muốn của Tiên đế cũng không khó. việc lớn của quốc gia là trọng, ta phải lo trước chứ! Giờ cứ tạm lấy dòng thứ lập ngôi trừ quân để đề phòng tai biến bất ngờ đã. Nếu sau đó hoàng hậu sinh hoàng tử thì cứ trả ngôi trừ quân lại cho dòng đích có khó gì? Quí ngài không nhớ chuyện Lê Hoàn chỉ vì không chịu lập ngôi trừ quân trước, đến lúc gặp việc, các hoàng tử đã tranh giành nhau kịch liệt đến nỗi ngôi báu lọt vào tay Công Uẩn sao?

Lập luận của văn Hiến hầu cũng hợp lý, được nhiều đại thần gật gù tán đồng. Ý vua Minh Tôn cũng muốn nghe lời Khắc Chung và văn Hiến hầu nhưng lại ngại mất lòng Quốc phụ và hoàng hậu nên còn chần chờ. vua phán:

- việc này hết sức trọng đại, không thể quyết định vội vàng được. Hãy để trẫm suy nghĩ thật kỹ đã. Ta sẽ bàn lại trong các phiên chầu tới.

Cuộc tranh luận trong phiên chầu đó đã nhóm lên một bầu không khí u ám trong triều. Sự cách biệt về chủ trương lập ngôi trừ quân đã dần dần hiện rõ. Nó đã trở thành một vấn đề thời sự hết sức nhạy cảm. Những người cầm đầu mỗi bên đều có thế lực cả nên nhiều người linh cảm sẽ có chuyện không hay xảy ra.

Thế rồi thình lình văn Hiến hầu lâm bệnh nặng. vua Minh Tôn thân hành đến thăm rồi cho phép hầu nghỉ nhà hai tháng để dưỡng bệnh. Suốt thời gian đó, bầu không khí căng thẳng trong triều lại tạm lắng dịu…

__

1. Kỷ Mùi: 1319.
2. Canh Thân: 1320.
3. Tân Dậu: 1321.
4. Vua Minh Tôn có tới 3 thứ phi họ Lê sinh con trai sau đều làm vua. Bà thứ nhất sinh hoàng tử vượng tức vua Hiến Tôn. Hai bà sau là hai chị em ruột, một sinh hoàng tử Phủ tức vua Nghệ Tôn, một sinh hoàng tử Kính tức vua Duệ Tôn. Đó là hai bà cô ruột của Hồ Quí Ly, người sẽ cướp ngôi nhà Trần sau này.
5. Ngôi trừ quân: người chuẩn bị kế vị vua.
6. Tằng tổ phụ: ông cố.
7. Tằng tôn: chắt (cháu gọi bằng cố).
8. Quí Hợi: 1323.
9. Giáp Tý: 1324.
10. Bính Dần: 1326
11. Đinh Mão: 1327.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK