• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mon tỉnh dậy. Đầu tiên, hai con mắt mở ra thấy xám đen. Mon đưa tay lên giụi. Không nhấc nổi bàn tay. Cũng không nhận ra mình đương nằm sấp mặt, cả hai tay luồn vào cái lỗ ở cây gỗ có khấc thang trèo lên nhà lều. Mon cũng không biết, nếu không luồn tay vào đấy, chắc Mon đã buông cây gỗ, đã chìm và trôi đâu từ đêm qua rồi. Dần dần, Mon nghiêng được đầu. Và dần dần, trí nhớ trở lại. Từ lúc cả cây gỗ xô Mon vào tảng đá nước cuốn, Mon ngất đi. Ngọn nước cứ xô thúc Mon đi mãi. Tỉnh lại, đầu tiên Mon nhớ bố mẹ. Mon vùng dậy. Nhưng chân Mon cứng đơ. Hai tay không còn sức rút được khỏi cái lỗ ở thân gỗ. Mon nằm im, bỗng ứa nước mắt. Mon khóc. Tai nạn ghê gớm không thể lường được đã xảy đến cho nhà mình. Mon không biết Mon đã bị trôi bao xa. Nhưng Mon biết hình như đây không còn cánh rừng quanh nhà. Nằm nghiêng mặt thế, Mon khóc. Rồi Mon muốn gọi bố thật to. Không gọi được. Cổ Mon khé lại. Chỉ có nước mắt ròng ròng xuống má, xuống mặt đất lổn nhổn sạn sỏi. Nước mắt khô rồi, Mon trông nghiêng trước mặt, thấy một lằn xanh ngay chân trời, thẳng tắp như sợi chỉ. Không giống rừng cây trước nhà. Tay Mon đã bớt ê ẩm, cựa được. Mon co đầu gối. Hai cánh tay từ từ rời cây gỗ, Mon bò ra rồi cố ngồi dậy. Mon ngồi lên, mùi nước biển trong gió mát mà nồng mằn mặn ùa lên, bọc lấy Mon, là lạ, ngai ngái như giữa rừng mùa hoa dứa dại chín. Sóng biển lồng lộng trước mặt. Phía sau, còn hình một khu rừng lớn, cây cối đã đổ rạp cả một quãng xuống mặt đất. Gió hây hẩy đến, nắng càng rực rỡ mặt nước xanh đen biếc. Mon thấy mình đương ngồi đầu một bãi cát. Con nước chỉ đẩy hơi quá tay, Mon đã băng ra biển rồi. Nhưng cũng chẳng hiểu, cây gỗ trôi đến đây, dừng lại ở bãi cát, hay là Mon đã bị trôi ra biển rồi sóng biển hắt lại Mon lên đây. Nhưng đây là đâu? Mon lại trông quanh mình. Chỉ còn quen biết có cây gỗ bước lên thang nhà. Không còn ai nữa. Mon bàng hoàng tủi thân, lại khóc. Nắng lên đã rát cả lưng. Mon nhìn vào bờ cây trong xa. Nhưng Mon không đứng lên được. Rồi lại thiếp đi. Mệt quá, lo quá, đói quá. Một đêm qua. Đêm đầy gió nồm đưa hơi biển lên mát rượi. Sớm hôm sau, Mon tỉnh dậy. Mon nhớ hôm qua, trông nghiêng ra biển, nhớ bố mẹ, nhớ em, Mon khóc. Mon bị nước lũ ống cuốn đến đây, xa lắm, xa lắm rồi. Mon lại nghẹn trong cổ, sắp khóc. Nhưng Mon không khóc, Mon đứng dậy. Mon đứng dậy được. Mon thất thểu ra bờ biển xa thoai thoải. Những tảng đá đỏ rêu tựa chỗ cửa sông Cái năm trước, Mon đã thấy, rêu phủ như màu hoa tầm xuân hồng nhạt suốt bờ biển. Bố thường nói:

“Trong rừng dưới bể, con người ở đâu mà biết chịu khó cũng tìm ra cái nuôi sống mình". Từ khi ở đảo, bố lại hay kể chuyện vì câu nói ấy mà buộc lụy vào thân. Rồi bố lại nói:"Đấy chỉ vì người đời chưa vỡ nổi nghĩa câu nói sâu xa ấy mà thôi. Một đời tao đã lăn lộn vào sông ra bể, tao biết quý câu nói ấy". Bây giờ Mon một thân ở đây. Từ thuở bé, chưa bao giờ Mon đứng đây một mình thế này. Nhưng nghĩ lại lời nói của bố, Mon tưởng như không phải mình đứng một mình. Mon lội qua bãi lầy ra dãy đá phủ rêu đỏ. Đến nơi, nhìn kỹ thấy chen trong rêu đỏ có những con hà bám khắp, tảng đá xù xì không còn ra hình thù tảng đá. Mon kêu lên:

“ạ, cái ăn được đây rồi!". Nhưng không có gì nậy hà ra khỏi đá. Đương nghĩ cách, lại trông thấy trên mép nước sóng đánh, lấp ló, mờ mờ những con ngán đội mai lăn lên lăn xuống theo sóng. Mon cúi xuống, nhặt con ngán, nhặt được một vốc tay những con ngán bằng con trai và những con sò to như nắm tay. Khoeo chân vẫn mỏi, lội cát nặng, không nhấc lên được, muốn ngã, Mon phải lom khom bốc ngán rồi chệnh choạng, lõm bõm lội vào bờ. Mon đến ngồi bên một tảng đá. Lúc ấy, lại trông thấy ở bờ cát, vô khối con ngao, con hầu. Nhưng Mon đương đói, Mon còn nhặt hòn cuội đập, hút hết hơn chục con ngán to. Thịt ngán tươi ngọt mát, thịt sò huyết đỏ như son, ăn hết lẻm cả mà còn thòm thèm. Thấy người khỏe khoắn hơn hẳn lúc nãy. Mon ngồi duỗi thẳng chân, trông ra biển. Trông ra biển, Mon nhớ năm trước bố kể ngày còn nhỏ, bố cũng là người kẻ bể ngoài Ninh Hải. ại, bao nhiêu chuyện bố kể thật kỳ lạ và ghê gớm. Bố lúc ấy chưa bằng tuổi Mon bây giờ mà đã phải lang thang kiếm ăn cả năm ngoài đảo. Ngoài Ninh Hải, đảo nhiều như trấu rắc mặt biển. Chuyện bố bơi ra khơi kiếm cái ăn, phải con cá trình, cá mập đuổi cắn. Bố bơi nhanh hơn cá mập. Bố còn xỉa chết cả cá mập. Ngày nhỏ, bố mình thật khổ, bố mình cũng thật giỏi. Có một lúc, Mon lại chạnh nghĩ: bây giờ không biết bố đâu, mẹ đâu, còn mình thì đang bơ vơ. Mon thấy mủi lòng. Nhưng Mon nghĩ lại ngay và cầm được nước mắt. Mon muốn đi tìm bố mẹ và em. Phải đi tìm bố mẹ. Phải làm thế nào đi tìm được bố mẹ và không nên khóc, khóc thì chẳng nghĩ được gì. Mon đứng dậy. Đến lúc ấy, Mon mới nhận ra Mon đương ở truồng. Bây giờ Mon chỉ còn nguyên thân hình bố mẹ sinh ra và Mon đương tồng ngồng đi trên bãi. Manh áo và cái khố, sóng đã kéo rách mất tiệt từ bao giờ. Lúc này, bạn với mình chỉ còn có cây gỗ bậc thang lên nhà. Cây gỗ nhà mình cứu mình, đưa đến đây. Mon ra bãi, kéo cây gỗ thang nhà vào trong bờ cây. ở đây, chỉ còn có cái thang này thân thuộc, phải giữ nó. Rồi Mon đi theo những bụi cây bờ biển. Bụi cây và cánh rừng bờ biển sáng trắng khác cây cỏ rừng sâu. Biển đây không có núi đá dựng, bờ bãi, thoai thoải vào tận trong mép rừng lô xô những bụi dứa dại bạc phấn xù xì gai. Những cây dứa dại già chết rữa, tàu lá dứa mềm và dai đầy xơ như một đệp sợi. Mon lấy hai tàu dứa khô, bẻ hết gai cạnh rồi buộc úp làm một. Thế là Mon đã có cái khố vừa vặn, có cả hai múi bảnh chọe bỏ đằng trước bỏ đằng sau bẹn, kiểu khố đuôi lươn. Đi sâu vào có đến nửa buổi mà rừng vẫn thoáng. Mon nghe tiếng reo hò xa xa đâu phía trong, Mon ngơ ngác. Nhưng nhìn đi nhìn lại, không thấy gì khác. Mon lần vào chỗ có tiếng kỳ lạ. Một lúc, gặp một cây thông to. Nước bão cuốn qua đây, thế mà cây thông vẫn đứng và cây thông đương reo. Biết rõ là tiếng thông reo. Nhưng Mon vẫn bồi hồi đứng ngẩn một lúc, ngỡ như có người ở đây. Cây thông này bằng mấy người ôm, trên thân lồi cái vấu có một lỗ trống hốc. Cây thông già tuổi lắm. Mon ngẩng đầu, chăm chú, tưởng nghe được tiếng vi vu ở mỗi vừng lá thông đương bay ra. Mon ra bãi kéo cái 159 160 thang gỗ vào dựng tựa vào cây thông. Mon leo lên, chui vào cái lỗ trống trong thân cây. Mon nằm nghiêng trong hốc, chân duỗi thò ra ngoài. Mon nghĩ: bố đi qua sẽ trông thấy chân mình, biết mình ở đây. Rồi làm một giấc. Ngủ say quá, không biết đã qua một đêm sang ngày khác hay là mới ngủ được một lúc. Mon đứng dậy. Mon nhìn ra cửa cái lỗ trong bụng cây thông già. Giấc ngủ làm cho Mon đã thật lại sức. Đến lúc chợt nhớ bây giờ chỉ có một mình, Mon lại thấy cực thân, nước mắt ứa lên mí. Nhưng Mon giữ ngay được cho khỏi khóc. Phải sống và kiếm được cái ăn để đi tìm bố mẹ. Mỗi lần sắp khóc, Mon lại nghĩ như thế và thế là cơn buồn qua đi. Vả lại, rồi ngày lại ngày, bao nhiêu mê mải, lo lắng chồng chất trong việc tìm cách cho sống được. Nghị lực cũng có phép làm tan biến được nỗi buồn. Đầu tiên, Mon có ý tìm ở nơi cao ráo. Bố đã nói:

“Con người khác con vật, trú ngụ đâu người cũng phải có cái nhà mà ở". Trông thấy cây tre, Mon nhớ bố bấy lâu đi rừng chỉ ao ước gặp cây tre. Mon nhớ bố bảo: phải rồi, tre làm được nhiều thứ cần dùng. Mon đã biết như thế. Tre kéo được ra cả lửa. Mon vào rừng tre. Loáng thoáng rừng tre với rừng trám. Rừng ven biển, thật nhiều thứ làm được, ăn được. Mon trở lại chỗ cây thông, thấy hãy cứ tạm ở đây được. Mon mang theo về mấy cái mo nang lấy ở rừng tre. Mon cặm cụi ngồi tước mo nang thành sợi. Được một đống bùi nhùi khô, như bùi nhùi đánh lửa ở đám thổi cơm thi. Lúc nãy, qua cái suối đã nhặt về mấy hòn cuội. Cái gì cũng phải có lửa trước đã

- Mon nghĩ thế. Những hòn cuội to, đen bóng, chỉ cọ mấy cái vào kẹp sợi mo nang đã ra lửa, lửa bắt bùi nhùi cháy ngay.

Mon đã đốt được một đống lửa dưới gốc thông tối hôm ấy. Mấy hôm sau, mỗi lúc đói, Mon lại ra biển bắt ngán, nhặt sò và đập hà ăn rồi lên ngồi mài đá. Không có dao thì phải làm ra dao. Mon tìm được hòn cuội to phẳng bằng cái vồ. Mon mài vạt đi một phía, làm con dao đá. Có lửa mới nên được nhiều thứ nhưng không có dao thì trông thấy cái cây cũng đành chịu, không đem thứ gì về cho mình được. Những năm trước, ở Bãi Lở, có lần Mon đã thấy cụ già mài dao đá khéo lắm, sắc lắm. Con dao đá mà chỉ bổ vài nhát đã đẵn được cây tre. Trên bờ bãi sông Cái bấy giờ còn nhiều cuốc đá, con lăn đá. Các cụ già quen tay dao đá hơn. Quang cảnh làm ăn ngày ấy, Mon chỉ còn thoáng nhớ và Mon cũng chẳng biết mài con dao đá thế nào. Nhưng, không phải thế là khó. Hòn đá cuội to thì ở đây chỗ nào cũng có, Mon cứ chọn những hòn cuội tựa hình dao và hì hục mài. Mon đã mài được mấy con dao đá sắc. Mon xách dao đá sang rừng tre. Dao đá không chém được như dao thép của bố. Mon phải cưa đẽo từng gốc cây. Nhưng hì hục, chịu khó ngày lại ngày, chẳng bao lâu cũng chặt được cái cây đổ xuống. Mon lại mài đá nữa. Mon thấy dao đá mài kỹ, lưỡi vừa dày cạnh vừa sắc, chặt tre cũng tốt. Mon có cả kho dao để dành trong lòng suối, không lo gì nữa. Có cách sống rồi, thế là trước tiên, Mon đi tìm bố mẹ. Mon chọn mấy cây tre to, đẽo hai đốt một làm ống đựng nước, vác ra suối, vục nước đem về. Buổi sáng, Mon đi về tay trái. Mon nghĩ: ta sắp gặp bố mẹ và em đây. Lưng Mon để trần, Mon đóng khố đơn bằng xơ dứa. Một vai đeo hai ống tre đựng đầy những con ngán và sò tươi. Một bên đeo ống nước. Tay Mon cầm hai cái lao trúc chọn. Lưng Mon buộc hai con dao đá, một nắm bùi nhùi mo nang và hòn cuội đen để đánh lửa. Thế là Mon đi. Càng đi sâu vào trong thì ngày ngày mỗi khác, rừng hoang và đá trọc, đá đứng thành vách thật xa, càng xa. Mon quay lại. ý nghĩ có thể gặp bố mẹ và em lúc ra đi, đã nhạt dần. Mon phải trở lại nơi rừng có cây thông hôm trước. ở gốc thông vài ngày, sốt ruột quá, nhớ quá, Mon lại đi phía tay phải. Phía này, thẳng bãi, chỉ gặp bãi cát. Mon chăm chăm xem đâu có dấu vết của bố, của mẹ, của em. Nhưng chẳng đâu có một dấu chân, một vết dao chém cây, càng đi càng thấy hoang vu. Mon lại tiu nghỉu, phải quay lại. Nhưng Mon vẫn chưa chịu thôi. Mấy hôm sau, Mon cặm cụi theo một con suối vào rừng sâu, lại đi tìm bố mẹ và em. Bên kia gốc thông có một con suối nhỏ, Mon đeo hai ống tre đựng con ngán, một ống nước, hai cái lao trúc, trong mép khố vẫn giắt hòn cuội, nắm bùi nhùi, con dao đá. Nhảy qua cái suối nhỏ ấy, Mon đi. Rừng rừng từng đợt, những dây củ mài chằng chịt, dây song dây mây, chi chít rừng nứa, rừng trúc, xanh mát vân vân trước mặt. Mon đi cho đến hôm ăn hết một ống đầy ngán. Mà vẫn chỉ thấy rừng. Con suối nhỏ đi theo từ hôm trước cũng đã chui xuống hốc đá, lẩn vào lòng đất từ bao giờ, không thấy ra nữa. Bốn phía mù mịt rừng, không thấy đâu một dấu vết. Thế là chắc mình đã lạc xa lắm. Đi cả ba phía mà không thấy gì. Bố mẹ ở nơi nào? Em ở đâu? Ai còn sống? Làm thế nào tìm được? Nghĩ miên man, buồn quá, nhưng lại nghĩ: thôi bây giờ phải trở lại gốc thông, tìm cái ăn cái ở, đợi một khi nào lại đi tìm. Mon không mất hết hy vọng. Mon nhớ lời bố nói:

“Có khi nào chịu chui rừng mãi thế này! Con người phải biết làm ra cái ăn cái ở". Bố mình có gan có chí lắm, bố mình đã dựng nên làng xóm ở Bãi Lở. Không chịu tù trong rừng, phải tìm đường nữa, mở mang ra. Nếu không có trận lũ ống ghê gớm, chắc cả nhà đã đi tìm chỗ ở mới, biết đâu chẳng đã tới được bờ biển này. ồ, ở đây bao nhiêu tre, có cả rừng hóp đá. Bố tha hồ đẵn tre đực đem ngâm làm cánh nỏ. Trong cơn ngủ chập chờn, Mon mê thấy ngày cùng bố đi chặt hóp đá đem ngâm xuống suối, làm cánh nỏ. Tỉnh giấc, vẫn chỉ thấy một mình nằm vắt trên cây giữa rừng. Hoang vắng quá, Mon lại nghẹn ngào. Nhưng Mon không khóc, Mon tụt xuống gốc cây và đi ngay. Không, bố ta đã phải bơ vơ lưu lạc từ khi còn ít tuổi hơn ta nữa kia. Trở về gốc thông, Mon cặm cụi làm lều ở. Mon cũng bắt chước như năm trước bố làm cái nhà tựa vào lưng cây nghiến. Vùng đất chỗ ấy cao, Mon xếp đá cao lên, đến tận gần chỗ chui vào hốc thân cây thông. Lần lần, Mon đẵn về một đống tre, trúc. Rồi Mon đẽo những con dao đá sắc hơn, cưa được cả những cây gỗ bổi. Mon dựng sáu cái cột sàn to. Tre bắc làm sàn. Mây và song đan liếp. Cái cột có khấc làm thang nhà mình ngày trước bây giờ đem bắc làm thang leo lên nhà mới. Mỗi lần trèo lên, bước mỗi khấc nhìn xuống, tưởng cái Gái đã giẫm vào khấc ấy, tưởng hôm bố đẵn cây gỗ này về làm thang. Mon chạnh nghĩ, thương thân, không muốn bước lên. Nhưng lại nghĩ bây giờ chỉ có cái cột ấy là thân thiết, ở đây chỉ còn cái cột biết mặt và thuộc bàn chân bố mẹ, em mình. Mon lại bước lên bậc cái thang lên nhà mới. 165 166 Làm xong nhà, vừa hay mùa lạnh đến. Những đêm khí rừng toát ra, ngủ đốt lửa mà vẫn lạnh một bên người. So với mấy năm trước cùng bố mẹ vất vả kiếm ăn trong rừng, ở đây Mon thấy mọi thứ dễ tìm hơn. Ngày nào đi rừng cũng đào được củ mài. Ra ngoài bãi cát mép biển tìm con ngán, con ngao, con sò, con hầu, con hà vô khối, đâu cũng có. Khi nước biển xuống, vét được sạn muối mặn đọng lại trên những tảng đá khô nước, khỏi phải ăn rễ cỏ tranh đắng chát. Đây nhiều thứ ăn nhưng ai cũng biết rằng không phải cứ có cái ăn thì vui. ở đây buồn quá, lúc nào cũng vắng ngắt vắng ngơ, vắng và buồn không biết đến thế nào. Mấy hôm, Mon tìm đẵn những tàu dứa dại, dọc hết gai rồi phơi lên sàn nhà, trên bờ đá quanh gốc thông. Lá dứa khô ải rữa đi, còn lại một đệp tơ sợi. Sắp rét, Mon tính cách sửa soạn sắm áo, sắm chăn. Năm trước, cả nhà đi bóc vỏ cây sui về, mẹ buộc áo sui cho. Bây giờ Mon bện cái khố lá dứa cũng thấy bền, lá dứa lại dễ lấy và lá dứa cũng thắt làm áo, làm chăn được. Đêm, Mon đốt lửa lên, bóc lá dứa. Ngồi tước một lúc, hai mắt đã díp. Mon ngủ ngay trên đống lá dứa ấm. Quá nửa đêm, đống bếp lửa giữa nhà tàn than. Cái lạnh khuya làm Mon thức giấc. Ngoài khe vách, trăng sáng trắng tinh. ánh trăng trổ xuống khe vách mây hở như những sợi mây trắng muốt cài thêm vào đấy. Mon đứng dậy, trông ra ngoài. Vùng rừng lênh láng ánh trăng. Từ hôm nọ, Mon đã bắt chước bố, thắt nút dây treo đầu cột, đánh dấu ngày tháng, bây giờ biết đến mùa mát đã có trăng trong xanh. Rừng im quá. Cái im lặng trăng sáng trải dài, phủ lên bóng rừng đen thẫm. Mon lắng nghe xa một tiếng hươu giác. Con hươu về rừng đằng ấy. Có đàn hươu về đằng ấy. Mai ta sẽ đến tìm. Đã lâu, không được ăn thịt hươu. Mấy lần đi rừng có trông thấy vết chân hươu, vết chân gấu nhưng chưa gặp con nào. Mai đi tìm hươu. Hươu ở rừng này chắc chưa biết sợ người, có thể đuổi bắt được cũng nên. Mon nhìn phía rừng. Rừng sâu khuất ánh trăng, tối đen. Nhưng sao lại thấy một vệt sáng lao xao dãi trong bóng tối. Không phải chỉ như hai con mắt hươu, mắt cầy, đây là vệt lóng lánh dài, dài lắm. Mà ông trăng đương sấp bóng đằng này. Không thể có một giọt sáng sang phía ấy như thế được. Sáng ở cây gỗ mục hay sáng con sâu đất, con đom đóm. Nhưng mùa này không phải mùa đom đóm. Cây gỗ mục hay đóm sâu đất, thì sáng quanh năm. Đi rừng đêm hay gặp cây gỗ mục sáng, Mon đã thấy. Mon nghĩ: Mai ra chặt một khúc đem về để dưới gốc thông làm cái đèn trước nhà cho mình cũng hay đấy. Hôm sau, Mon cầm cái lao trúc đi về phía đêm qua có tiếng hươu. Thấy những vết chân đã hơi khô, có ám sương, biết đàn hươu chỉ đi qua, Mon quay về. Chợt nhớ, Mon tạt xuống chỗ cây gỗ sáng. Tìm khắp quãng ấy cũng chẳng thấy cây gỗ mục nào. Mon lội qua suối về. ở suối lên, Mon trông xuống mu bàn chân mình lấp lánh sạn cát. Quái, đây suối trong vắt, không phải như lội bãi cát ngoài biển mà sao lại có cát bám vào chân. Mon cúi, lấy ngón tay dính sạn cát lên. Hạt cát long lanh lóng lánh. Mon quay lại vốc một nắm cát mịn ven suối rồi khỏa xuống nước. Nước trong leo lẻo lùa cát đi, trong cát lấp lánh những hạt vàng chảy theo. Có lẽ đêm qua cái suối lóng lánh tại thế này. Đây là cái suối chảy ra vàng.

Ngày trước, ở Bãi Lở cũng có suối chảy ra bạc. Mon không được đi đến những suối bạc, suối vàng ấy lần nào, nhưng Mon thấy người trong các làng cứ mỗi năm, đến mùa lại đem giỏ, đem lưới đi đãi được từng vốc. Vàng ấy, bạc ấy đem về đập mỏng thành lá, để trong nhà, bảo trừ ma. Mon đã thấy những ông già ngồi rèn vàng làm con dao cho các bà, các chị bổ cau và đập thành những cái kim nho nhỏ nhọn để xăm mình. Kim đâm vào người rớm máu rồi mới xoa nước chàm, vài năm phải xăm lại như thế, bằng cái kim vàng. Lại có người lấy cuội đập làm cái khuyên đeo tai thay lõi cuốn chiếu. Bảo đeo vàng cho khỏi ốm và đẹp. Trẻ con thì đeo bạc để kỵ gió và được khước. Ngày tết, ngày hội ở Bãi Lở, Mon thấy nhiều người đeo. Mon cũng được đeo cái vòng bạc. Mẹ bỏ cuốn chiếu ở lỗ tai Gái, cho nó đeo đôi vòng vàng to. Mọi khi vẫn đeo, cho đến lần lên hội ở Phong Châu mới bỏ ra. Rồi thì tai biến đến ngày nay, vàng bạc để lại ở Bãi Lở, không có nữa. Mon nghĩ: có thể lấy vàng này rèn con dao. Ta làm con dao bằng vàng, không có dao sắt, ta có con dao bằng vàng, con dao vàng chắc còn sắc hơn dao đá. 169 170 Mấy hôm, Mon xếp những tàu lá dứa, chằn xuống suối. Nước suối mùa này cạn trong, chỉ róc rách chảy những hạt cát vàng đọng lại trong khe lá. Vài ngày một lần, Mon ra gỡ mạng lá dứa đã rữa ra thành xương lá. Có lần được hẳn một bọng cát vàng. ít lâu, đã được một đốt tay. Mon lấy dao đá đập dẹt lại thành một cục vàng chóe. Rồi chẳng bao lâu Mon đánh hẳn được một dao vàng. Cái lưỡi con dao vàng to bằng dao của bố. Con dao vàng này thật sắc. Chém tre, chém trúc được. Nhưng chỉ vài nhát thì lưỡi dao oằn lên, phải đập lại. Thôi thế đã là quý. Con dao đá mẻ thì phải bỏ, con dao vàng đem đập lại, lại chém được. Đêm đêm, trông về phía rừng, con suối sáng đêm nào cũng óng ánh. Mon đặt tên suối ấy là suối Sáng. Mon vẫn chắn lá dứa đãi vàng. Mon còn định đánh nhiều dao và làm nhiều thứ bằng vàng. Mon sẽ làm cho cái Gái những chiếc vòng khuyên vàng, làm vòng khuyên vàng cho mẹ nữa, như ở Bãi Lở. Chắc mẹ và em thích lắm. Vàng dẻo dễ đánh, chỉ hơ lửa rồi lấy dao đá rèn, không phải kéo lò.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang